dd/mm/yyyy

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở vùng cao Sơn La

Anh Vì Văn Chiểu (SN 1984), bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại giá trị kinh tế cao...

Clip: Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Vì Văn Chiểu, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La).

Trồng su su trên đất dốc Sơn La để làm giàu

Chúng tôi lạc vào vườn su su của gia đình anh Vì Văn Chiểu hội viên nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La). Vườn có diện tích 1 ha, bạt ngàn những quả su su lơ lửng trên giàn bằng thép chắc chắn. Mùa này, su su đang vào vụ thu hoạch nên gia đình anh Chiểu đang bận rộn thu hái quả su su bán cho thương lái.

Lau những giọt mồ hôi rơi lã chã sau khi thu hái quả su su, anh Chiểu kể: Trước đây toàn bộ diện tích trồng su su này gia đình tôi trồng cà phê nhưng do giá cà phê bấp bênh, năm được giá thì cũng đỡ được phần nào việc phân bón, công chăm sóc; nhưng năm mất giá cũng chẳng lãi được bao nhiêu. Năm 2017, nhận thấy mô hình trồng su su đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn, gia đình tôi đã triển khai trồng 6.000 m2 su su, sau một năm trồng chăm sóc nhận thấy su su phát triển tốt, giá cả ổn định, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng thêm diện tích.

Nhờ vậy, đến nay, gia đình tôi có 1 ha su su lấy quả, trung bình một năm gia đình tôi thu khoảng 30 tấn quả su su, với giá bán từ 3 - 7 nghìn đồng/kg loại quả to, 5 - 15 nghìn đồng loại quả nhỏ, thu về hơn 200 triệu đồng.

 Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Mô hình trồng su su của gia đình của anh Vì Văn Chiểu, bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Vì Văn Chiểu, từ khi trồng su su thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cà phê, bởi su su khi đến kỳ thu hoạch, hàng ngày gia đình anh phải thường xuyên thu hái để bán cho thương lái. Bên cạnh đó, su su chỉ cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12. 

Do vậy, gia đình anh Chiểu còn tận dụng những giàn su su trống để trồng gối thêm được một vụ bí đao. Riêng vụ năm 2022, gia đình anh Chiểu thu được khoảng 70 tấn quả bí đao, thu được hơn 250 triệu đồng.

"Điều quan trọng nhất đối với người trồng su su là trong quá trình trồng su su phải bón phân chuồng và phân vi sinh vào gốc. Trung bình một năm trồng lại một lần để cho năng suất, chất lượng cao hơn. Ngoài ra, cây su su lá rất dày nên việc tỉa lá phải thường xuyên để tạo tán, cây ra nhiều quả và chất lượng quả sẽ ngon hơn". Anh Chiểu nói.

 Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Anh Vì Văn Chiểu chăm sóc vườn su su của gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Nông dân Sơn La chọn chăn nuôi khép kín để bón lót cho cây trồng

Ngoài trồng su su, gia đình anh Chiểu còn phát triển mô hình chăn nuôi khép kín khoa học, bài bản. Năm 2018, anh Chiểu đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn thịt và nuôi bò nhốt chuồng. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, toàn bộ khu chuồng trại nuôi lợn, bò được xây bể khí biogas. 

Cũng theo anh Chiểu, việc chăn nuôi lợn, bò ngoài việc chính là xuất bán ra thị trường, anh Chiểu còn tận dụng lấy phân được làm phân bón cho cây trồng đặc biệt là vườn su su.

Hiện nay, gia đình anh Chiểu đang duy trì nuôi 26 con bò; 50 con lợn thịt. Từ mô hình chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Chiểu có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Với diện tích 1 ha su su, hàng ngày gia đình anh Vì Văn Chiểu thu hái từ 3-4 tạ quả bán cho thương lái trong và ngoài huyện Mai Sơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Chiểu, chia sẻ thêm: Khi bắt tay vào thực hiện mô hình tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm. Vừa làm vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, ngoài thời gian làm ở trang trại, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức. 

Đồng thời, học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn ở các mô hình khác để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tìm hướng đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng cho thu nhập cao của gia đình anh Vì Văn Chiểu, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh giá về mô hình kinh tế của anh Vì Văn Chiểu, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, cho biết: Anh Chiểu là một trong những hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo chuỗi khép kín của hội viên Vì Văn Chiểu là hướng phát triển mới ở xã Chiềng Ban. 

Mô hình này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình anh Chiểu mà đây còn là mô hình thiết thực để các hội viên nông dân trên địa bàn xã Chiềng Ban học tập và làm theo. Với những thành tích trong sản xuất, kinh doanh và tham gia các phong trào của Hội, nhiều năm liền anh Chiểu đã được các cấp Hội Nông dân tuyên dương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Mùa Xuân