Clip: Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Vì Văn Chiểu, Hội Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La).
Hội quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ hội viên, nông dân
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Hoàng Văn Chứng, nông dân bản Thộ, qua trò chuyện với ông, chúng tôi được biết: Trước đây gia đình ông chủ yếu trồng nương ngô, sắn năng suất thấp, hiệu quả không cao. Năm 2018, sau khi đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng chăn nuôi trong và ngoài huyện, gia đình ông Chứng bỏ 400 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình để đầu tư hầm biogas, xây chuồng lợn, với diện tích 300 m2 phát triển chăn nuôi lợn thịt.
Ông Chứng, cho biết: Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đàn lợn của gia đình tôi luôn phát triển tốt. Đến nay, gia đình tôi có 12 con lợn nái; 80 con lợn thịt. Gia đình tôi nuôi lợn nái để chủ động con giống, với cách làm này, không chỉ góp phần giảm chi phí đầu vào mà còn giúp đàn lợn hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã xuất bán hơn 10 tấn thịt lợn hơi ra thị trường. Với giá dao động từ 65 - 68 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi khoảng 300 triệu đồng.
Hay gia đình anh Vì Văn Chiểu, bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban, năm 2017, gia đình anh triển khai trồng 6.000 m2 su su, sau một năm trồng chăm sóc nhận thấy su su phát triển tốt, giá cả ổn định, gia đình anh Chiểu tiếp tục nhân rộng thêm diện tích. Nhờ vậy, đến nay, gia đình anh có 1 ha su su lấy quả, trung bình một năm gia đình anh Chiểu thu khoảng 30 tấn quả su su, với giá bán từ 3 - 7 nghìn đồng/kg loại quả to, 5 - 15 nghìn đồng loại quả nhỏ, thu về hơn 200 triệu đồng.
Anh Vì Văn Chiểu, chia sẻ: Su su chỉ cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12. Do vậy, gia đình tôi còn tận dụng những giàn su su trống để trồng bí đao, riêng vụ năm nay gia đình tôi thu được khoảng 70 tấn quả bí đao, thu được hơn 250 triệu đồng.
Ngoài trồng su su, gia đình anh Chiểu còn nuôi 1.000 con vịt bản; 26 con bò; 50 con lợn thịt. Từ mô hình chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Chiểu có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nông dân tựa vào tổ chức Hội để vươn lên
Bên cạnh đó, còn rất nhiều gương nông dân vượt khó làm giàu như, anh Lèo Văn An, Tòng Văn Nọi, bản Ớt; ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2; anh Vì Văn Bình, bản Áng Ưng…
Xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân xã Chiềng Ban đã tích cực triển khai đến từng hội viên nông dân thông qua tư vấn, hỗ trợ vay vốn, mua vật tư trả chậm. Vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt là mấy năm trở lại đây hội viên nông dân đã chủ động đưa cà phê, các loại cây ăn quả vào trồng thay thế những cây ngô, sắn trước đây.
Hiện, toàn xã Chiềng Ban có 1.250 ha cây cà phê, sản lượng ước đạt hơn 20.000 tấn quả tươi/năm; duy trì diện tích cây ăn quả hiện có, với 370 ha, sản lượng ước đạt trên 1.000 tấn quả các loại. Nhờ vậy, trên địa bàn xã Chiềng Ban hiện có hơn 1.650 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, 49 hộ cấp Trung ương, 317 hộ cấp tỉnh, 215 hộ đạt cấp huyện và hơn 1.000 hộ cấp xã.
Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban, cho biết: Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, Hội Nông dân xã nhận ủy thác với Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn cho 247 gia đình hội viên vay vốn, với tổng dư nợ là trên 7,5 tỷ đồng.
Tiếp nhận quản lý nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân từ Hội Nông dân tỉnh Sơn La, Hội Nông dân huyện Mai Sơn, với tổng vốn 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã triển khai thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây ăn quả và nuôi bò sinh sản tại bản Củ 1, 2, bản Sàng, Nà Tre, với 20 hộ tham gia.
Riêng 9 tháng đầu năm 2022, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn mở 19 lớp tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành mận hậu, cà phê, kỹ thuật chăm sóc bón phân cà phê cho hơn 1.440 hội viên. Hướng dẫn hội viên, nông dân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng theo đúng nơi quy định.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Chiềng Ban đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm vượt khó vươn lên làm giàu của mỗi hội viên nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,2% năm 2021.