dd/mm/yyyy

Nông thôn mới - Hướng mở trên vùng đất nghèo Sơn La

Từ vùng đất hoang sơ, bốn bề là núi rừng, cuộc sống bị cái đói, cái nghèo đeo bám; đến nay xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) đã hoàn toàn đổi thay...


Clip: Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ"

Về vùng đất đặc biệt khó khăn của Sơn La

Những ngày giữa tháng 9, tôi có dịp trở lại Sơn La - mảnh đất phía Tây Bắc của tổ quốc. Điểm đến là xã Phiêng Pằn, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La). Cách đây hơn 5 năm, khi đó Phiêng Pằn vẫn là vùng đất hoang sơ, bốn bề là núi rừng, cuộc sống bị cái đói, cái nghèo đeo bám không buông, một phần do trình độ dân trí chưa cao, giao thông đi lại khó khăn, phần nữa do canh tác, sản xuất lạc hậu, manh mún… Nhiều bản làng, người trẻ tuổi bỏ đi làm ăn xa khiến Phiêng Pằn càng thêm buồn và heo hút. Tuy nhiên, ngày trở lại, nông thôn - nông nghiệp và nông dân nơi đây đã là một bức tranh mới với những màu sắc tươi tắn và không khí vui tươi. Phiêng Pằn đã hoàn toàn đổi thay.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 2.

Xã Phiêng Pằn là một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, sau vài lời chào hỏi, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn Lù A Dủa tâm sự: Cách đây 5 năm, bao trùm cả bản Pá Liềng thuộc xã Phiêng Pằn là một bầu không khí u buồn. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả bản có 5 người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Đa số là phụ nữ và trẻ em gái tuổi dưới 25, vì gia đình quá nghèo nên dễ dàng nghe theo lời dụ dỗ đi làm thuê, lương cao của các đối tượng lạ mặt rồi bị lừa bán chẳng biết ngày về.

Không chỉ 5 trường hợp ở bản Pa Liếng, thời điểm đó, cả xã có đến 19 trường hợp phụ nữ đi khỏi địa bàn không rõ lý do. Trong đó, nhiều trường hợp đã được xác định là bị lừa bán sang Trung Quốc. Tất cả cũng vì nghèo khó. Đi làm ăn xa là lối thoát duy nhất đối với nhiều người khi đó. Cuộc sống cứ thế mà bế tắc, nhiều người đã nghĩ đồng bào nơi đây sẽ phải quẩn quanh với sự nghèo khó rất lâu nữa.

"Trước đây có 1 số thanh niên học xong trình độ văn hoá, về đi làm ăn xa ở các tỉnh. Đảng ủy xã đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến chi bộ, đến bây giờ đã có 1 số thanh niên trẻ, đoàn viên trẻ được kết nạp vào Đảng. bí thư chi bộ cũng  là Đảng viên trẻ đứng ra lãnh đạo chỉ đạo chi bộ, gần gũi với các đối tượng trẻ, cũng tuyên truyền đến các thanh niên trong thời gian vừa qua, gắn với sự phát triển kinh tế, hộ gia đình cũng như kinh tế của bản từng bước phát triển" Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn Lù A Dủa nói.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 3.

Những năm trước đây cuộc sống của người dân xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) gặp không ít khó khăn, cái đói cái nghèo cứ đeo bám. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhưng điều kỳ diệu đã đến với bản Pá Liềng sau hơn 5 năm. Bằng việc được tập trung tuyên truyền mạnh mẽ về pháp luật gắn với thực hiện xây dựng Nông thôn mới, suốt từ năm 2018 đến nay, cả bản không có trường hợp bị lừa bán nữa. Thanh niên cũng chịu khó ở nhà sản xuất, làm kinh tế. Đây là kết quả của cả một quá trình kiên trì, xây dựng và bồi dưỡng đảng viên trẻ trong chi bộ bản của Đảng ủy xã Phiêng Pằn.

Anh Giàng Á Cang, Bí thư chi bộ bản Pá Liềng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Năm 2009, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Đến năm 2019, anh được bầu làm Bí thư chi bộ bản Pá Liềng với niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động bà con dân bản thay đổi nhận thức trong đời sống, Giàng A Cang còn kêu gọi, hướng dẫn lực lượng đoàn viên, thanh niên trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung.

Và đổi thay thấy rõ nhất trong tư duy sản xuất của bà con chính là việc không để cho đất trống, đồi trọc. Chỗ nào đất tốt, đất rộng thì bà con trồng lúa, trồng ngô và cây ăn quả; nơi đất nhỏ hẹp thì tận dụng trồng cỏ voi nuôi bò, nuôi trâu. Thế là cả bản ai cũng chăm chỉ làm ăn.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 4.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân trong việc phát triển cây trồng và đàn vật nuôi, chung tay xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Tôi phải luôn luôn trung thành với Đảng và hết sức đồng lòng với người dân. Mình phải luôn luôn hoàn thành tốt mọi công việc trong dân, nói đi đôi với làm. Cái quan trọng nhất là thay đổi về cơ cấu kinh tế; phải đồng lòng xây dựng Nông thôn mới vì Nông thôn mới là của dân, do dân và vì dân. Mình có hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân về kinh tế để cho người dân không đi làm ăn xa nữa", anh Giàng Á Cang nói

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 5.

Từ vùng đất hoang sơ, bốn bề là núi rừng, đến nay xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã hoàn toàn đổi thay. Đời sống của người dân ngày một được nâng cao. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chương trình Nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tam nông Sơn La giúp Phiêng Pằn thay áo mới

Còn đối với, anh Sồng A Giang, hiện đang là bí thư chi đoàn bản Pá Ban, xã Phiêng Pằn (Sơn La). Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Giang trở về quê hương chứ không đi làm xa như nhiều thanh niên khác. Từ khi được học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng và chuẩn bị được kết nạp vào tháng 10 tới đây, chàng trai này nung nấu cho mình quyết tâm phải làm kinh tế thật giỏi, phải làm giàu để trở thành tấm gương cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương học tập và làm theo. Vậy là hằng ngày, Sồng A Giang cùng một số thanh niên lại tìm đến vườn của anh Sồng A Đô, đoàn viên đầu tiên trong bản triển khai mô hình trồng cây ăn quả thay thế cây ngô năng suất thấp. Mô hình này, anh Đô đã làm được 7-8 năm nay, mỗi năm cho thu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng.

"Lúc mà được chi bộ trong bản cử đi học, sau khi đi học về em nhận thức được bản thân có nhiều thứ cần phải thay đổi. Muốn cải thiện bản thân tốt hơn ví dụ như làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa của anh em trong chi đoàn. Mình cũng đã từng được mấy đồng chí hướng dẫn, giúp đỡ về phân bón, cây giống nào hiệu quả. Mô hình của đồng chí Đô rất hiệu quả, mình phấn đấu sẽ có một vườn như thế", anh Giang tâm sự.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 6.

Chương trình Nông thôn mới đã giúp Phiêng Pằn có thêm nhiều cái mới. Ảnh: Văn Ngọc - Nguyễn Văn Vinh.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 7.

Những năm gần đây, xã Phiêng Pằn đẩy mạnh các mô hình trồng và phát triển các loại cây ăn quả, để người dân có thu nhập ổn định, góp phần thực hiện thành công Nông thôn mới ở vùng cao Mai Sơn. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phó Chủ tịch UBND xã Phiềng Pằn, ông Sồng A May cho biết: Ngay từ những ngày đầu triển khai kế hoạch thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng như chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhận thấy ngoài tiềm lực dồi dào của thế hệ trẻ, địa phương thực sự cần một tấm gương điển hình, một người thật, việc thật sát với nhân dân nhất. Đó là thời điểm ông được cử về sinh hoạt tại chi bộ bản Pá Ban để giúp đỡ chi bộ hoạt động cũng như đồng hành, dẫn dắt bà con nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Là một người làm kinh tế giỏi, thành công với mô hình trồng xoài, nhãn, ông May nhận thức rõ nhiệm vụ của bản thân, vừa tiếp tục nỗ lực sản xuất, vừa tập trung hướng dẫn các đảng viên trẻ, các đoàn viên thanh niên trong bản phát triển các mô hình kinh tế khác nhau.

"Đảng ủy cũng phân công đối với các chi bộ với mỗi đồng chí đảng viên phải gương mẫu làm cái mô hình để phát triển kinh tế và đảng viên phải làm gương trồng cây ăn quả để cho người dân noi theo. Mình là một đảng viên thì mình nên hướng dẫn cho đoàn viên phát triển kinh tế", ông May nói.

Tương lai sáng trên vùng đất nghèo từ những "hạt giống đỏ" - Ảnh 8.

Đến nay, đời sống, tinh thần, vật chất của người dân xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã được nâng lên. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chính với cách làm cầm tay chỉ việc, người đi trước làm gương, hướng dẫn người đi sau đã tỏa ra được một phong trào làm kinh tế sôi nổi ở Phiêng Pằn. Trong đó, đảng viên tại các chi bộ đóng vai trò hạt nhân, then chốt, lan toả tinh thần và quyết tâm vượt khó vươn lên trong khắp các bản làng nơi vùng cao biên giới.

Phiêng Pằn ngày hôm nay đã khởi sắc hơn rất nhiều so với 5 năm trước đây. Đó là thành công của cả một quá trình kiên trì, bền bỉ cũng như đồng lòng của cả đảng viên và nhân dân trong xã. Những hạt giống đỏ đã được ươm mầm và chăm sóc một cách kỹ lưỡng, giờ là lúc tiếp tục phát huy, nhân rộng để những trái ngọt nở rộ trên những bản làng vùng cao Tây Bắc.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh