dd/mm/yyyy

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La

Năm 2018, cây mắc ca được đưa vào trồng tại xã vùng cao Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và đang hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế...

Cây Mắc ca bén rễ vùng cao

Trở lại xã Mường É (Thuận Châu) hôm nay, chúng tôi ấn tượng bởi những tuyến đường liên bản đã được bê tông hóa khang trang, phóng xa ngút tầm mắt ngắm nhìn những đồi chè xanh ngát, những cây mắc ca đang được bà con nhân dân xã Mường É tích cực trồng và chăm sóc.

Sau 4 năm bén rễ ở vùng đất Mường É, cây mắc ca đã và đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 1.

Cây mắc ca hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã vùng cao Mường É. Ảnh: Q.X.

Anh Quàng Văn Duy, Trưởng bản Co Cại, xã Mường É, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Năm 2018, 60 hộ dân của bản Co Cại đã đăng ký tham gia trồng cây mắc ca, với diện tích 38 ha, trong số này 15 ha đã cho thu hoạch quả, đây cũng là năm đầu tiên cây mắc ca của bản cho bói quả nên năng suất chưa được cao. Vụ năm nay, cả bản thu được 1,2 tấn hạt, bán cho Công ty TNHH MTV Đạt Thủy, tiểu khu 19, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, với giá khoảng 80 nghìn đồng/kg, thu được gần 100 triệu đồng.

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Cây mắc ca được người dân trên địa bàn xã Mường É trồng xen diện tích cây chè. Ảnh: V.D.

Ông Lường Văn Hoạch, bản Co Cại, xã Mường É, phấn khởi: Gia đình tôi trồng được 2 ha cây mắc ca từ năm 2018. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong bản được Công ty TNHH MTV Sơn Mai, (thành phố Sơn La) hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa, thu hoạch. Vụ năm nay, gia đình thu được hơn 1 tạ hạt, thu về gần 10 triệu đồng.

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Cây mắc ca trên địa bàn xã Mường É, huyện Thuận Châu đã bắt đầu cho bói quả. Ảnh: V.D.

"So với các loại cây trồng khác, cây mắc ca hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả bước đầu, dự kiến, thời gian tới gia đình tôi sẽ trồng thêm 2 ha cây mắc ca nữa". Ông Hoạch nói.

Trồng cây mắc ca đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp quan tâm, ủng hộ, người dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Niềm vui của người dân khi cầm trên tay những trái quả mắc ca đầu tiên sau nhiều năm chăm sóc. Ảnh: V.D.

Đến nay, toàn xã Mường É có 60 ha cây mắc ca được trồng tập trung tại các bản các bản Co Cại, Kiểng, Chiềng Ve, Phát... Trong đó, khoảng một nửa diện tích cây mắc ca trên địa bàn xã Mường É đã bắt đầu cho bói quả.

Từ 5 - 6 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi ước đạt khoảng 8 tấn/ha/năm. Mắc ca là cây lâm nghiệp đa giá trị, có vòng đời khai thác lâu dài nên có thể phát triển thành cây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, chống sự xói mòn của đất và phát triển hiệu quả.

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Người dân xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La) cân quả mắc ca sau khi thu hái về. Ảnh. V.D.

Đánh giá về mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn xã Mường É, ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É, cho biết: Cây mắc ca được người dân xã đưa vào trồng xen cây cà phê, cây chè. Sau nhiều năm trồng và chăm sóc cho thấy sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh và có khả năng trồng xen, trồng che bóng với nhiều loài cây (chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày). Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức, trồng thuần loài hoặc trồng xen.ng

Triển vọng cây mắc ca ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Nông dân xã Mường É sử dụng máy tách hạt mắc ca để bán cho thương lái. Ảnh. V.D.

Trong thời gian tới, xã Mường É tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca theo hướng hàng hóa tập trung, theo đó, xã sẽ vận động người dân đăng ký trồng mới khoảng 100 ha. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan mở lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, thời gian trồng phù hợp để cho cây mắc ca phát triển xanh tốt; tìm hiểu về những thông tin liên quan đến cây mắc ca như nguồn gốc, xuất xứ, những kỹ thuật cần lưu ý trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến, tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ…

Từ đó, giúp người dân nắm được những kỹ thuật cơ bản, trồng và chăm sóc cây mắc ca, có thêm kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở địa phương.

Huyện Thuận Châu (Sơn La) hiện có gần 260 ha cây mắc ca được trồng tập trung tại các xã Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập, Púng Tra, Chiềng La, Nậm Lầu... Trong đó, có khoảng 100 ha đã bắt đầu cho bói quả.
Mùa Xuân