dd/mm/yyyy

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Sáng nay (20/9), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Sơn La Hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới”.

Chủ trì Hội thảo khoa học "Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới" có các ông: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương; PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Hội thảo khoa học "Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới". Ảnh: Tuệ Linh.

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương, Trường chính trị các tỉnh và các doanh nghiệp.

Nhiều nội dung nông nghiệp của Sơn La được đề cập tại Hội thảo

Trong những năm gần đây, sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở Sơn La đã trở thành xu hướng tất yếu và bước đầu đã có hiệu quả hơn so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Những kết quả tích cực của việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tạo ra sự chuyên môn hóa mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp.

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tuệ Linh.

Tuy nhiên, liên kết theo chuỗi đối với sản phẩm nông sản còn gặp nhiều khó khăn như: Hạn chế về số lượng và chất lượng; quy mô liên kết chưa lớn; mô hình liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị nông sản; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và sơ chế, chế biến còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường... Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn hiện nay.

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuệ Linh.

Hội thảo đề cập đến các vấn đề cụ thể như: Vai trò của chuỗi liên kết nông sản trong phát triển kinh tế - xã hội; Chuỗi cung ứng ngắn nông sản tại Sơn La trong bối cảnh thực hiện EVFTA; Quan điểm của Đảng ta về thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; Định hướng xây dựng và phát triển vùng trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La; Quy hoạch xây dựng và phát triển vùng trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La….;

Kết quả thực hiện và những vấn đề cần đặt ra trong xây dựng, phát triển chuỗi liên kết nông sản ở tỉnh Sơn La giai đoạn hiện nay; những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại tỉnh Sơn La từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo...

Doanh nghiệp là chủ thể trong sản xuất hàng hoá

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương cho hay: Đây là hội thảo có ý nghĩa được tổ chức kịp thời ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới - Ảnh 5.

Các đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: Tuệ Linh.

"Sơn La chính là thực tiễn sinh động đối với việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong tình hình mới", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Đó là cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả các định hướng về phát triển nông nghiệp mà văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Thúc đẩy liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở chế biến.

Bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện uỷ Mai Sơn La tham gia thảo luận về những kết quả đạt được của huyện Mai Sơn trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: Tuệ Linh.

"Đặc biệt, muốn tạo bứt phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp dứt khoát phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể quan trọng trong sản xuất hàng hoá lớn và giải quyết hiệu quả vấn đề thị trường đầu vào, đầu ra", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu tỉnh Sơn La cần tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai đồng bộ, có hiệu quả hai Đề án lớn, đó là: "Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Đề án về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Đồng thời, đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích kỹ tình hình thực tiễn, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, kiến nghị những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần phát triển nền nông nghiệp Sơn La nhanh, xanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Tăng cường liên kết 6 nhà

Ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện.

Trong đó xác định Sơn La là trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết hợp phát triển du lịch; xây dựng thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La, để thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Bộ Chính trị, tỉnh Sơn La đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội.

Trong đó, tập trung quy hoạch vùng sản xuất; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; tăng cường liên kết 6 nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp, nâng cao vai trò của HTX; thu hút doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông sản…

Tại Hội thảo, lãnh đạo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Mai Sơn, Sông Mã của tỉnh Sơn La; lãnh đạo Vinatea Mộc Châu đã tham gia thảo luận một số vấn đề về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới; kinh nghiệm triển khai các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm…

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, 2 giải pháp từ đó tạo ra bước chuyển mới trong việc góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và của Việt Nam nói chung trong những năm tới.

Kết quả của Hội thảo sẽ là luận cứ khoa học và thực tiễn hữu ích cho việc tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Tuệ Linh