Liên kết với doanh nghiệp trồng đủ thứ rau quả, nông dân Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng

Tuệ - Ngân Thứ ba, ngày 30/08/2022 11:06 AM (GMT+7)
Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã liên kết với Công ty TNHH thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La vận động người dân trồng rau quả an toàn theo hướng hàng hoá để nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi đến bản Heo Trại, xã Chiềng Pha - vựa trồng rau quả an toàn của xã để thăm mô hình trồng rau quả của gia đình anh Quàng Văn Pản. Thời điểm này gia đình anh Pản đang bước vào vụ thu hoạch bí xanh. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Pản chia sẻ: Cuối năm 2020, được chính quyền địa phương và Công ty rau quả Ngọc Linh tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã tiên phong chuyển đổi 5.000m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh.

Nông dân ở Sơn La lãi hàng trăm triệu nhờ trồng rau quả liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Người nông dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu thu hoạch quả bí xanh. Ảnh: Tuệ - Ngân.

Theo anh Pản, tham gia ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La, các hộ dân được cung ứng giống, phân bón; được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng rau quả, kỹ thuật bón và phòng trừ sâu bệnh.

"Nhờ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nên bí xanh sinh trưởng và phát triển tốt. Sau vụ sản xuất đầu, tôi thấy chất đất phù hợp với điều kiện canh tác, cây bí cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ lại ổn định. Vì vậy, gia đình tôi đã mạnh dạn thuê, mượn đất của nhiều hộ lân cận để phát triển mô hình bí xanh và trồng thêm cải thảo gối vụ. 

Đến nay, diện tích trồng bí xanh, cải thảo của gia đình tôi đã mở rộng lên hơn 1 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí cả 3 vụ, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng/năm", anh Pản phấn khởi.

Nông dân ở Sơn La lãi hàng trăm triệu nhờ trồng rau quả liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhờ chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, mô hình trồng bí xanh của người dân Chiềng Pha sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong bản Heo Trại đã chủ động chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng bí xanh, cải thảo. Toàn xã Chiềng Pha hiện có hơn 17 hộ trồng bí xanh, cải thảo với tổng diện tích hơn 4,3 ha. 

Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La cam kết thu mua trung bình với giá 6.000 đồng/kg; sản lượng đạt 30 tấn/ha. Theo tính toán, từ khi bà con chuyển sang làm theo công thức “2 vụ bí xanh + 1 vụ cải thảo”, tổng thu nhập cả 3 vụ bình quân trong toàn xã năm 2021 đạt mức 2 tỷ đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Nông dân ở Sơn La lãi hàng trăm triệu nhờ trồng rau quả liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bí xanh được Công ty TNHH thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La thu mua với giá ổn định nên người dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Tuệ - Ngân.

Dịp này, gia đình anh Quàng Văn Ơn, bản Heo Trại cũng đang bận rộn bước vào thu hoạch bí xanh. Vừa nhanh tay cắt bí trên giàn, anh Ơn bảo: Nhờ chuyển đổi 5.000 m² ruộng khô cằn bị bỏ hoang sang trồng bí xanh, cải thảo, đến nay đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bí xanh, cải thảo rất dễ trồng và chăm sóc, thích nghi tốt với đất đai, khí hậu ở nơi đây.

Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Ơn đã thu được 1 vụ cải thảo, 1 vụ bí xanh, với sản lượng 20 tấn, bán cho Công ty trung bình giá 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm. Đồng thời, vận động anh em họ hàng làm theo để nâng cao thu nhập.

Nông dân ở Sơn La lãi hàng trăm triệu nhờ trồng rau quả liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 4.

Mô hình trồng bí xanh của người nông dân ở xã Chiềng Pha đang mở ra hướng đi mới giúp bà con nơi đây nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuệ - Ngân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha thông tin: Những năm gần đây, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân; phối hợp liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng khi có nhiều người trồng thì giá lại xuống thấp.

Theo Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, vui nhất là thông qua mô hình liên kết này nhiều hộ dân trên địa bàn đã có thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng, các mô hình chăn nuôi vào sản xuất. Trong đó, có mô hình trồng bí xanh, cải thảo đã được các hộ dân nhân rộng và phát triển.

Nông dân ở Sơn La lãi hàng trăm triệu nhờ trồng rau quả liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 5.

Người dân Chiềng Pha thu hoạch thảo quả. Ảnh: Tuệ Linh.

"Xã đang tiếp tục chọn địa điểm để nhân rộng mô hình, giúp nhiều hộ dân thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu được tốt hơn; khuyến khích người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học", ông Hoan cho biết.

Có thể nói, việc trồng thành công bí xanh, cải thảo trên đất ruộng khô hạn tại xã Chiềng Pha đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là tổ chức liên kết sản xuất theo hợp đồng. 

Việc làm này sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng, tăng hệ số sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập ổn định; qua đó góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem