dd/mm/yyyy

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối ngày 17/9, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Lễ vinh danh, bằng những lời ca, tiếng hát và những điệu xòe uyển chuyển, duyên dáng, các nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái cùng các nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên đã làm sống dậy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc một cách hấp dẫn. Qua đó, đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi Lễ vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”. Ảnh: CTV.

Xòe Thái được biết đến là một loại hình vũ đạo với những động tác biểu tượng cho hoạt động của con người, được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Theo như quan niệm của đồng bào dân tộc Thái: “Không xòe, hoa không nở. Không xòe, người không vui. Không xòe, trai gái không thành đôi. Không xòe, lúa, ngô không thành bắp”.

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh 2.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Lễ vinh danh "Nghệ thuật xoè Thái". Ảnh: CTV.

Hầu hết các cộng đồng người Thái trong tỉnh Sơn La vẫn rất thích được tham dự các cuộc sinh hoạt múa xoè nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng nói chung. Qua các hoạt động này đã làm sôi động thêm cuộc sống hằng ngày ở các xã, bản, đặc biệt vào thời gian đầu năm mới và thời gian rỗi sau mỗi vụ mùa bội thu.

Hiện nay, Sơn La vẫn còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt các điệu xòe cổ truyền thống, như: Xòe nâng khăn mời rượu, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe bổ bốn, xòe vòng, xòe vỗ tay múa vòng tròn và xòe trong các nghi lễ. 

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh 3.

Các diễn viên tham gia vòng xòe. Ảnh: CTV.

Hiện tại, xác điệu xòe của đồng bào dân tộc Thái đã được nghiên cứu và phổ cập đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Sơn La hay phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Việc thực hành các điệu Xòe cổ truyền thống cho đến nay vẫn là sinh hoạt văn hóa chủ yếu tại các bản người Thái, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí cho mọi thế hệ. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, múa Xòe giữ vai trò chủ đạo, là một sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Thái.

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh 4.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các Đoàn nghệ thuật đoạt giải A tại liên hoan "Nghệ thuật xoè Thái". Ảnh: CTV.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào không chỉ của riêng cộng đồng người Thái mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. 

Sơn La sẽ tập trung đưa xòe Thái trở thành điểm nhấn cho các điểm đến, phục vụ du lịch cộng đồng, tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Sơn La: Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái”- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh 5.

Trên 1.000 diễn viên tham gia vòng xoè tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phương Hiền.

Trước đó, vào ngày 16/9, tại Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Sơn La, để vinh danh “Nghệ thuật xoè Thái”, UBND tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức khai mạc liên hoan “Nghệ thuật xòe Thái".

Tham gia liên hoan có gần 500 diễn viễn và nghệ nhân của 12 đoàn đến từ các huyện, thành phố của Sơn La. Các đội đã trình diễn nghệ thuật xòe Thái trên cơ sở Đề án “Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La” đã được phổ cập và truyền dạy của tỉnh và lựa chọn những điệu xòe cộng đồng truyền thống tiêu biểu dân tộc Thái của địa phương để dàn dựng, trình diễn.

Các đội thi cũng đã giới thiệu ý nghĩa, mục đích, xuất xứ, nét tiêu biểu của điệu xòe tại địa phương, sử dụng trang phục truyền thống dân tộc Thái địa phương và đạo cụ phù hợp với điệu xòe, như: Nón, khăn piêu, quạt, đàn tính, khèn bè…

Tại lễ vinh danh, UBND tỉnh Sơn La đã tặng Bằng khen cho 3 đội đoạt giải A đến từ huyện Mộc Châu, Yên Châu, Quỳnh Nhai và trao 4 giải B, 5 giải C cho các đội còn lại. Đồng thời, trao giải nhạc xoè hay nhất, trang phục xoè đẹp và phù hợp nhất, lời xoè ấn tượng nhất cho các đội.

Kết thúc lễ vinh danh “Nghệ thuật xoè Thái” là màn xoè đoàn kết của hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân được thiết kế 5 vòng xoè thể hiện các điệu xoè đã được phổ cập, truyền dạy theo Đề án phổ cập xoè của tỉnh Sơn La.

PV Tây Bắc