Clip: Khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp
Gắn hoạt động Hội Nông dân với các mô hình kinh tế của nông dân
Hằng năm, các cấp Hội Nông dân trong huyện Mai Sơn chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ huyện về xã tích cực tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Để giúp nông dân phát triển kinh tế, Hội đã tìm nhiều cách kết nối, khơi thông, huy động các nguồn vốn hỗ trợ hội viên có thêm điều kiện đầu tư; giúp hội viên tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi dành cho nông dân trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Có được mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt như thế này, bên cạnh việc tự tìm hiểu qua sách báo, mạng, hàng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Mức, tiểu Khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) còn được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện để được đi tham quan, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh lân cận. Mỗi lần đi thực tế là một lần bà Mức học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật quý báu từ những nông dân khác để áp dụng vào phát triển vườn na của gia đình mình. Từ cách trồng, phòng trừ sâu bệnh hay bảo quản sản phẩm, bà Mức đều học hỏi từ những người bạn nông dân sau nhiều lần đi thực tế. Nhờ vậy, diện tích na của gia đình bà đều sinh trưởng tốt.
"Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác cuộc sống khó khăn lắm, chỉ trồng cây ngô, cây sắn trên nương. Sau khi được đi học hỏi nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao do Hội Nông dân tổ chức, tôi đã biết về mô hình phát triển cây ăn quả, gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng na Thái trái vụ. Nhờ trồng na, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn. Vườn na của gia đình tôi cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về gần 400 triệu đồng" bà Mức nói.
Những năm trước đây, gia đình anh Lò Văn Hặc ở bản Có Tình, xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, (Sơn La) muốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng lại không có vốn nên cuộc sống cũng khá bấp bênh. Từ khi Hội Nông dân hỗ trợ cho gia đình vay một phần vốn, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi vỗ béo. Hiện gia đình anh duy trì đàn bò từ 50-60 con bò mỗi lứa với 2 khu chuồng nuôi
"Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò gia đình tôi sinh trưởng khá nhanh, được thương lái săn đón đặt hàng với mức giá cao. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán từ 40-45 con bò thương phẩm, thu về hơn 400 triệu đồng/năm. Tối thấy việc nuôi bò cỏ bản địa này khả hiệu quả, người nuôi chỉ cần chăm sóc tốt là có thu nhập ổn định". anh Hặc nói.
Mai Sơn nhiều chính sách giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế
Còn tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La), có lợi thế lớn bởi địa hình rộng, tương đối bằng phẳng, đáp ứng yêu cầu hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, quy mô tập trung theo hướng hàng hóa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, đại gia súc.
Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Với lực trên 1.600 hội viên, sinh hoạt tại 34 chi hội bản, tiểu khu. Trong những năm qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thông qua phong trào không chỉ khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu trong mỗi hội viên nông dân, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới
"Hội hỗ trợ nông dân trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ vật tư nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chiết ghép và cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại cây ăn quả, xây dựng mô hình khuyến nông, chăn nuôi kết hợp xây dựng bể khí sinh học, thu hút hàng nghìn lượt nông dân tham gia", ông Tiện nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, cho biết: Để giúp các hội viên tăng nguồn thu nhập ổn định, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ sở Hội. Đến nay Hội Nông dân huyện có 403 chi Hội cơ sở với 19.532 người hội viên. Đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện giảm từng năm.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của hội viên nông dân các dân tộc trong huyện đã tạo nên sức mạnh đoàn kết. Qua đó đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.
Ngoài các giải pháp hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, Hội còn phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ, tín chấp cho hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ở cơ sở. Hội cũng chỉ đạo triển khai phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thực hiện các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường...
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Mai Sơn sẽ phát huy tốt vai trò trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất và kinh doanh.
Tiếp tục có các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tham gia vào các chương trình dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội kết hợp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân và con em nông dân.