dd/mm/yyyy

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa

Có khả năng thích ứng với thời tiết nóng ẩm, đất dốc, cây dứa Queen giúp người dân Sơn La có thêm lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

Clip: Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa

Cây dứa giúp nông dân Sơn La nâng cao thu nhập

Thực hiện dự án cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả, anh Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã trồng 2 ha dứa Queen. Để thực hiện mô hình trồng dứa hiệu quả, gia đình anh Hinh đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trồng dứa ở các địa phương khác về áp dụng tại địa phương.

"Đối với quy trình chăm sóc cây dứa, tùy từng thời kỳ cây dứa phát triển sẽ cần đến việc bón phân cho cây. Khi trồng từ 3 - 4 tháng, tôi bón phân đạm; đến lúc dứa bắt đầu ra chồi, ra hoa bón thêm phân kali để tạo độ ngọt cho quả dứa; đặc biệt là phải vun gốc thường xuyên cho cây dứa". Anh Hinh nói.

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa - Ảnh 2.

Mô hình trồng dứa của gia đình anh Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La (Sơn La) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Với cách làm như vậy, diện tích cây dứa của gia đình anh Hinh sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu ở bản Két, vùng đất vốn xưa nay người dân chỉ chủ yếu trồng cây ngô, sắn để có thu nhập. Vụ dứa năm nay, gia đình anh Hinh thu được gần 30 tấn quả dứa tươi, với giá bán mà Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La cam kết thu mua là 4.800 đồng/kg, mỗi ha gia đình anh Hinh sẽ thu khoảng hơn 70 triệu đồng.

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa - Ảnh 3.

Sản phẩm dứa Queen có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngọt, có khả năng tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện Mường La đã trồng trên 10 ha dứa, năng suất ước đạt 15 - 20 tấn quả/ha. Cây dứa Queen là cây trồng mới trên địa bàn huyện có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết nóng ẩm và thổ nhưỡng đất dốc, đồi núi của các xã, thị trấn dọc lòng hồ Sông Đà.

Cây dứa trồng đơn giản, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc, sau trồng khoảng 14 - 16 tháng cho thu hoạch quả. Theo đánh giá, mô hình trồng dứa Queen thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, có năng suất cao, chất lượng quả thơm, ngọt; trừ chi phí người dân có lãi khoảng 85 triệu đồng/ha. Sau khi đánh giá hiệu quả mô hình trồng dứa, huyện Mường La (Sơn La) sẽ có căn cứ để tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu trồng dứa Queen trên địa bàn, giúp người dân có thêm lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa - Ảnh 4.

Cây dứa có tiềm năng phát triển, giúp nông dân Sơn La nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Tại huyện Thuận Châu (Sơn La), năm 2021, mô hình trồng giống dứa Queen được triển khai tại bản Cát, bản Nong Vai của xã Co Mạ, với diện tích 7 ha. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Trong quá trình triển khai, huyện đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các hộ dân, đến thời điểm này, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là việc liên kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp. Sản lượng ước đạt 25 - 30 tấn/ha.

Sản phẩm quả có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngọt, có khả năng tiêu thụ trên thị trường và được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh tại Sơn La hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm theo chính sách đã cam kết từ đầu vụ, với giá bán sản phẩm loại 1 là 4.300 đồng/kg; loại 2 là 2.860 đồng/kg.

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa - Ảnh 5.

Cây dứa đang là lựa chọn mới cho vùng đất Sơn La bởi khả năng chịu hạn tốt, dễ tính, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, cho giá trị kinh tế khá. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La mở rộng diện tích trồng cây dứa

Năm 2021, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký kết hợp đồng với 21 HTX trồng 264 ha dứa, tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tổng diện tích vùng nguyên liệu dứa trên địa bàn toàn tỉnh là 297,9 ha, đạt 59% kế hoạch. 100% diện tích dứa đã trồng ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh Sơn La.

Từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 1.140 tấn dứa được thu hoạch. Các huyện có diện tích, sản lượng dứa lớn, gồm: Quỳnh Nhai, đã thu hoạch được gần 430 tấn; Sốp Cộp, thu 234 tấn; Sông Mã, thu hoạch được 182 tấn; Mai Sơn thu hoạch 213 tấn.

Nông dân Tây Bắc: Từng bước làm giàu nhờ cây dứa - Ảnh 6.

So với các loại cây trồng truyền thống khác trước đây như ngô, sắn... dứa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Văn Ngọc

Với năng suất từ 25 - 30 tấn quả/ha, giá thu mua từ 4.800 đồng/kg trở lên, sẽ mang lại thu nhập khoảng 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người trồng dứa thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần cây ngô, cây sắn.

Việc quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu dứa theo chuỗi liên kết bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây cũng là sinh kế mới cho người dân vùng cao biên giới, giúp họ từng bước thoát nghèo và làm giàu.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh