dd/mm/yyyy

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn

Cây nhãn được trồng tại huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) đã trở thành cây kinh tế chủ lực, giúp hàng ngàn hộ dân vươn lên làm giàu, cho hộ gia đình thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng nhãn.

Clip: Cây nhãn trở thành cây kinh tế chủ lực, giúp hàng ngàn hộ dân vươn lên làm giàu

Nông dân có của ăn của đề nhờ trồng nhãn

Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, bà con nhân dân đi khai hoang phát triển kinh tế, văn hóa miền núi đã mang giống nhãn lồng Hưng Yên lên trồng trên mảnh đất Sông Mã. Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong - nơi có đông đồng bào khai hoang tỉnh Hưng Yên sinh sống.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, từ những hạt giống đó, giờ đây đã trở thành một vùng trồng nhãn lồng đặc sản hiếm có của vùng đất xa thẳm của huyện Sông Mã này. Nhiều hộ gia đình trồng nhãn ở đây đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, trong đó, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 2.

Cây nhãn được trồng trên các sườn đồi, sườn núi và trở thành cây góp phần giúp đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Sông Mã từng bước cải thiện cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đi qua cầu treo Hải Sơn, ông Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) đã chờ chúng tôi sẵn, đưa đi tham quan vườn nhãn bằng xe máy. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp, ngút mắt với hàng trăm cây nhãn sai trĩu cành, có cây, chùm quả còn là đà sát mặt đất.

"1ha đất trồng nhãn cho thu từ 12-15 tấn quả với giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phi gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng/ha mỗi năm. So với trồng các loại cây khác, tôi thấy trồng nhãn này là hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng cây khá", ông Bằng nói.

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 3.

Mô hình trồng nhãn của gia đình ông Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) mỗi năm cho thu trên nửa tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để có được thành quả này, Ông Bằng cho biết đã trải qua quá trình nghiên cứu, chuyển đổi, trăn trở tìm hướng đi đúng cho kinh tế gia đình, thoát khỏi đói nghèo, làm giàu bền vững. Ông tâm sự: Gia đình ông "đi kinh tế mới", lập nghiệp tại vùng đất Sông Mã này từ những năm 1960. Ông nhận thấy chất đất này nếu chỉ trồng hoa màu sẽ rất vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, cho nên, ông quyết định chuyển đổi sang trồng nhãn. Với giống nhãn nhãn Miền Thiết cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, ông đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.  

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 4.

Cây nhãn được trồng ở Sông Mã quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, màu nâu vàng, cùi dày, giòn, màu trắng đục, róc hạt, có vị ngọt đậm, mùi thơm dịu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Khi được hỏi về "bí quyết" làm giàu từ cây nhãn, ông Bằng đáp: chẳng có bí quyết gì nhiều, chỉ cần  biết chăm chỉ, cần cù, chịu khó chăm bón, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật và biết "lấy công làm lãi" thì sẽ thành công. Chính lớp trầm tích hai bên bờ sông Mã, đất pha cát có độ mùn cao, khí hậu nóng ẩm lại rất phù hợp cho cây nhãn phát triển có vị ngọt đậm đà, thanh khiết. Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các bản ven hai bên bờ sông Mã thuộc xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, nơi có đông người dân Hưng Yên sinh sống.

"Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đúng kỹ thuật, vườn nhãn hơn 4 ha của gia đình ông cho năng xuất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn. Trừ tất cả chi phí, gia đình ông Bằng thú lái hơn 500 triệu đồng/năm", ông Bằng nói

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 5.

Đến mùa thu hoạch nhãn, nhiều thương lái tìm đến tận vườn người dân thu mua. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cây nhãn trở thành cây trồng chủ lực trên đất Sông Mã

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Sông Mã cho biết: Hiện nay diện tích cây ăn quả các loại của huyện Sông Mã có trên 10.662ha, sản lượng ước đạt trên 100 nghìn tấn, trong đó diện tích cây nhãn 7.480 ha, chiếm trên 70,45% diện tích cây ăn quả của huyện, sản lượng hằng năm ước đạt trên 60.000 tấn. Cây nhãn đã từng bước khẳng định được vị thế, nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 6.

Cùng với việc sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGap, huyện Sông Mã còn đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp tiêu thủ sản lượng nhãn trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ðể sản phẩm nhãn ở Sông Mã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đứng vững trên thị trường trong nước, ngoài nước và góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo làm giàu bền vững. Huyện Sông Mã đã phối các đơn vị chuyên môn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống Thiết Miền và một số giống khác…

Không dừng lại ở đó, để tiếp tục xây dựng thương hiệu và hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm nhãn sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGap, khuyến khích các HTX sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

Sông Mã: Nông dân thành triệu phú nhờ cây nhãn - Ảnh 7.

Sản phẩm nhãn của Sông Mã giờ đây không chỉ được biết đến trong nước mà đã vươn xa ra thế giới. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Cùng với việc sản xuất nhãn an toàn theo quy trình, huyện Sông Mã còn đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp có uy tín để đưa sản phẩm nhẫn chinh phục các thọ trường. bên canh đó, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá như tổ chức "Ngày hội Nhãn Sông Mã" vào ngày đầu tháng 8 hằng năm; đưa nhãn đi trưng bày, quảng bá tại các siêu thị lớn", ông Hải nói

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh