Clip: Chương trình OCOP - nâng tầm giá trị cho nông sản Sơn La
Sơn la khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP
Sơn La hiện có gần 200 sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOPOCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP, tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP; các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án chung của tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP.
Thành lập năm 2017, HTX Thái Tuấn, xóm 7, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tập trung nghiên cứu sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá, tạo việc làm, mang lại nguồn thu ổn định cho thành viên và người dân. Năm 2019, sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đạt hạng 4 sao của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP tỉnh Sơn La.
Chị Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn, xóm 7, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chúng tôi đã ký hợp đồng với 2 đơn vị chuyên thu mua thủy sản. Cá tép dầu được chế biến theo quy trình: Rửa sạch, đánh vẩy, lọc sạch ruột; mổ theo sống lưng để mật cá không bị vỡ và tạo thành phẩm đẹp. Sau khi sơ chế, cá được tẩm ướp các gia vị như muối, tương ớt, sa tế, đường, bột nghệ... sau 30- 40 phút đem phơi khô. Cứ 5 kg cá tươi sẽ chế biến được 1 kg cá khô. Bình quân mỗi năm, HTX có lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
"Được huyện hỗ trợ 600 triệu đồng, HTX đang tiến hành thi công xây dựng nhà xưởng sơ chế cá rộng 300 m² tại xã Mường Giàng; trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với HTX Hợp Lực, HTX An Bình huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) để bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi, đánh bắt thủy sản trong huyện, đồng thời thực hiện tốt công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường... góp phần từng bước khẳng định thương hiệu cá sông Đà", bà Yến nói.
Sơn La đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Nhằm Quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La ta thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng 10 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Thành phố và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Bà Vũ Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: Triển khai chương trình, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lớp tập huấn về chương trình sản phẩm OCOP cho cán bộ từ huyện đến xã, bản, tiểu khu. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ.
"Qua kết nối tiêu thụ, đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sản xuất trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống các cửa hàng phân phối hiện đại, như: Trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP", bà Hải nói
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Sau gần 4 năm triển khai chương trình, đến nay toàn tỉnh có 83 sản phẩm OCOP, trong đó, có 51 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
"Để sản phẩm OCOP vươn xa, các HTX, các chủ thể tham gia OCOP phải thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất với từng sản phẩm. Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh nâng cấp những sản phẩm OCOP hiện có để đạt những tiêu chuẩn cao hơn, đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính. Việc xuất khẩu các sản phẩm OCOP cũng góp phần mang những đặc trưng của từng vùng miền Sơn La tới bạn bè năm châu", bà Hiền nói.
Hiện, các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Sơn La vẫn đang tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế; triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể, HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm… phấn đấu trong năm 2022 này có thêm 40 sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc, đặc trưng, chinh phục được những thị trường khó tính; góp phần tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.