dd/mm/yyyy

Trồng giống dây leo ở vùng cao anh nông dân Sơn La thoả mơ ước

Anh Quàng Văn Uyên, dân tộc Thái, hội viên nông dân bản Nong Xưa (Chiềng Hoa, Mường La, Sơn La) đã đưa giống bí xanh về trồng, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Clip: Mô hình trồng bí xanh của gia đình anh Quàng Văn Uyên, bản Nong Xưa, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La.

Trò chuyện với anh Uyên (Chiềng Hoa, Mường La, Sơn La), chúng tôi được biết, những năm trước đây thu nhập của gia đình anh Uyên phụ thuộc vào trồng ngô, sắn nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Hội viên nông dân Sơn La bứt phá

Tháng 7/2021, trong một lần gia đình anh Uyên đi thăm anh em họ hàng ở xã Mường Chùm, nhận thấy người dân ở đây trồng bí xanh phát triển tốt, giá trị kibh tế cao. Từ đó, anh Uyên xin ít giống về bản ươm và quyết tâm đầu tư làm giàn, lưới để trồng bí xanh trên đất ruộng của gia đình, với diện tích gần 1.000 m2.

Trong quá trình trồng và chăm sóc anh được anh em họ hàng ở Mường Chùm hướng dẫn kỹ thuật thực hiện từng khâu trong quá trình triển khai xây dựng và sản xuất.

Đưa giống dây leo về trồng ở vùng cao nông dân Sơn La có thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh Uyên đã thu trên 6 tấn bí xanh. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Uyên chia sẻ: Thời điểm này, gia đình tôi đã thu hoạch được 3 lứa, với hơn 6 tấn bí xanh, với giá bán trung bình từ 3 -11 nghìn đồng/kg, thu về trên 50 triệu đồng. Bây giờ trồng bí xanh theo hướng hàng hóa đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, cùng một diện tích cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. 

Lúc đầu mới trồng, tôi cũng băn khoăn, sợ sẽ khó khăn nhưng qua thực tế trồng, chăm sóc trong thời gian qua cho thấy giống bí xanh thơm này rất dễ trồng và chăm sóc.

Đưa giống dây leo về trồng ở vùng cao nông dân Sơn La có thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Anh Quàng Văn Uyên, hội viên nông dân bản Nong Xưa, xã Chiềng Hoa thu hoạch bí xanh. Ảnh: Mùa Xuân.

Nông dân Sơn La nắm bí quyết làm ăn

Cây bí xanh dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đặc biệt là chi phí ban đầu thấp. Sau khi trồng khoảng 60 ngày đã cho thu hoạch quả non, thời gian sinh trưởng có thể kéo dài đến 100 ngày.

Đưa giống dây leo về trồng ở vùng cao nông dân Sơn La có thu nhập ổn định - Ảnh 4.

Giàn bí xanh, quả sai lúc lỉu của anh Uyên bản Nong Xưa, xã Chiềng Hoa. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Uyên, đặc điểm của giống bí này là quả có mùi thơm đặc trưng. Trọng lượng quả bình quân từ 1- 3 kg, thịt quả màu phớt xanh, thơm, dẻo, vị đậm, hấp dẫn người tiêu dùng. Đầu tư một giàn bí nhưng có thể thu hoạch trong vòng 2 năm, nếu chăm sóc tốt thì mỗi năm cho 2 vụ thu hoạch vào khoảng tháng 5 và tháng 9. 

Sản phẩm bí xanh của gia đình anh Uyên làm ra, đều được các thương lái đến tận nhà thu mua nên giá cả ổn định. Cây bí xanh đã góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho gia đình anh Uyên.

Với hiệu quả của cây bí xanh đem lại, hiện anh Uyên đang đầu tư thêm hơn 12 triệu làm giàn, ươm giống để chuẩn bị trồng thêm khoảng 1.000 m2 bí xanh.

Ông Lường Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hoa, cho biết: Mô hình trồng cây bí xanh trên đồng đất Chiềng Hoa đang được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai bước đầu nhằm thay thế những cây trồng trên đất kém hiệu quả, từ đó phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Hiện xã đã vận động các hộ dân tham gia trồng bí xanh, với diện tích 4 ha tại bản Nong Xưa, Áng Nghịu. 

Đưa giống dây leo về trồng ở vùng cao nông dân Sơn La có thu nhập ổn định - Ảnh 5.

Bí xanh của gia đình anh Uyên được thương lái đặt và đến tận nhà thu mua. Ảnh: Mùa Xuân.

Có thể khẳng định, việc trồng thành công mô hình cây bí xanh của gia đình anh Uyên và một số hộ dân khác trên địa bàn xã Chiềng Hoa theo hướng hàng hóa đã mở ra triển vọng mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.


Mùa Xuân