dd/mm/yyyy

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La

Thành phố Sơn La đưa ra nhiều giải pháp từ việc chọn giống, trồng, chăm sóc đến việc chế biến và tiêu thụ để phát triển cà phê trên địa bàn một cách bền vững.

Clip: Thành phố Sơn La đưa ra nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La

Cây cà phê đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân

Cây cà phê được trồng tại thành phố Sơn La từ những năm 1990. Trải qua trên 30 năm phát triển, cà phê ở Sơn La đã khẳng định được vị thế là một cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại thu nhập ổn định cho cho người nông dân.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Thành phố Sơn La là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Sơn La với gần 5.000 ha cà phê, trong đó, trên 4.500 ha đang cho thu hoạch; sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 60.000 tấn quả tươi và thành phố có khoảng 8.000 nông hộ thâm canh cà phê. Đến nay, thành phố Sơn La đã hình thành được mối liên kết giữa hơn 1.500 hộ nông dân với DN, HTX trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA.

Nhiều DN, HTX được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La và được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Vì vậy, đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, được thị trường chấp nhận và đánh giá có chất lượng cao tương đương các nước trồng cà phê lớn trên thế giới. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông trồng trồng cà phê, có hộ gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng một năm có hộ thu cả tỷ đồng.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 2.

Trên khắp các sườn đồi của thành phố Sơn La được phủ xanh bằng những nương cà phê. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La còn gặp một số khó khăn như: diện tích cây cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao, việc thâm canh sản xuất chưa đúng kỹ thuật, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Cùng đó, việc phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò là đầu mối cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên; kết cấu hạ tầng cho vùng định hướng phát triển cà phê tập trung còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất…

Bên cạnh đó, việc hình thành phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê còn hạn chế; các liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với DN, HTX đã được hình thành nhưng chưa chặt chẽ; nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thu hái cà phê. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đưa ra nhiều giải pháp phát triển cây cà phê bền vững

Ông Hà Trung Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Để cây cà phê phát triển bền vững, thực sự đưa lại thu nhập cho người dân, thành phố Sơn La đà đưa ra nhiều giải pháp như: Ghép cải tạo đối với vườn cà phê cây sinh trưởng bình thường nhưng cho quả ít, quả nhỏ, không đồng đều; Sử dụng các giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Tập trung đầu tư phát triển cà phê đặc sản tại địa bàn các xã có điều kiện đất đai, tự nhiên tốt. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu Cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững bảo đảm chất lượng. Hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận. Hướng dẫn các hộ bón phân cân đối, hợp lý, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng lượng phân bón hữu cơ và hạn chế dùng các loại hóa chất; thu hái quả Cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (chỉ thu hái quả chín, không hái quả xanh, tỷ lệ quả chín thu hái đạt trên 95%).

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 4.

Thành ủy Sơn La tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao chất lượng cà phê. Ảnh: Nguyễn Vinh

Khuyến khích người dân sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm trong vườn Cà phê bằng cách trồng xen các loại cây lâu năm. Vận động các hộ áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển sản xuất Cà phê. Tạo điều kiện thuận lợi mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao,các cơ sở chế biến, bảo quản Cà phê. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến công; các chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất Cà phê. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học mới trong phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh. Xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 5.

Nhờ phát triển cà phê, người nông dân trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tăng cường hoạt động xuất khẩu Cà phê gắn với tập trung tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số. Tăng cường kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản sản phẩm; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, phân bón. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế Cà phê gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Hướng dẫn các cơ sở dùng chế phẩm sinh học để xử lý vỏ Cà phê sau sơ chế nhằm cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào sản xuất trong cụm công nghiệp.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 6.

Thành phố Sơn La hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững. Ảnh: Nguyễn Vinh

Gia đình anh Tòng Văn Trung, Tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La (Sơn La) có tổng diện tích cây cà phê là 1,8 ha. Được trồng từ những năm 2000, đến nay vườn cà phê đã già cỗi nên sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh gây hại nhiều, năng suất thấp, giảm dần. Tuy nhiên nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, vườn cà phê của anh sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng xuất cao.

Anh Trung chia sẻ: Xuất thân từ một gia đình nhà nông nên việc học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, cũng như chăn nuôi luôn được bản thân chú trọng quan tâm và làm thế nào để đạt được hiệu quả kinh tế cao là điều khiến bản thân luôn ông phải suy nghĩ. Nhận thức được giá trị kinh tế của cây cà phê đem lại, do vậy năm 2019, được tham gia lớp tập huấn cải tạo cây cà phê, gia đình anh đã áp dụng biện pháp đốn đau, cửa toàn bộ thân cây cà phê già cỗi nhằm cải tạo làm trẻ hóa lại vườn cà phê.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 7.

Đến nay, thành phố Sơn La đã hình thành được mối liên kết giữa hơn 1.500 hộ nông dân với DN, HTX trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ngay sau khi cưa đốn đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cày xới giữa luống để giúp cho đất thông thoáng, dùng cuốc chặt bớt các rễ xung quanh cây để kích thích cây Cà phê tạo rễ nhiều rễ mới. Đồng thời để cây phát triển tốt, luôn bón phân cân đối hợp lý, đúng thời điểm theo giai đoạn phát triển của cây và sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ (phân chuồng hoai mục..), phân vi sinh gấp từ 2 - 3 lần so với tái canh trồng mới, hạn chế sử dụng một cách thấp nhất phân bón vô cơ nhằm làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng khả năng giữ ẩm và giữ nước.

"Sau hơn 3 năm triển khai cưa đốn, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật vườn Cà phê của gia đình đã sinh trưởng, phát triển tốt, tán cân đối, cành dự trữ nhiều, tạo hình và nuôi chồi hợp lý, ít sâu bệnh. Hiện nay cây Cà phê đã cho thu hoạch ổn định năm thứ 3, tỷ lệ đậu quả nhiều. Thời điểm này gia đình tôi đã thu được hơn 3 tấn quả Cà phê tươi với giá bán 15.000 đồng/kg, thu về được 45 triệu. Dự kiến hết vụ năm nay khoảng 36 tấn quả Cà phê tươi và với giá cả như hiện tại sẽ thu trên 540 triệu đồng/năm", anh Trung nói.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 8.

Thành phố sơn la tập chung tuyên truyền nông dân thu hái quả Cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (chỉ thu hái quả chín, không hái quả xanh, tỷ lệ quả chín thu hái đạt trên 95%). Ảnh: Nguyễn Vinh

Là một trong những đơn vị kinh doanh cà phê lâu năm ở Sơn La, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - tiền thân của Tập đoàn Mitix Group, cho biết: Việc nâng cao chất lượng và tầm vóc cà phê Sơn La không thể do một cá nhân hay đơn vị đơn lẻ nào làm được mà cần tới sức mạnh tập thể. Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nêu trên, địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân canh tác theo đúng quy trình, đạt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững, đưa vào trồng các giống cà phê mới cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Tập trung, định hướng phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La. Nhận được sự vào cuộc ủng hộ của chính quyền địa phương cùng đồng lòng; đưa ra những chính sách ưu đãi, đoàn kết với doanh nghiệp và người dân để tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy sức mạnh tập thể để thúc đẩy nền kinh tế và đem lại nhiều giá trị không thể đong đếm, đặc biệt là ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 9.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 10.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La - Ảnh 11.

Xưởng chế biến cà phê của Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - tiền thân của Tập đoàn Mitix Group. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cũng theo Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La: Mục tiêu của thành phố Sơn La đến năm 2025 gồm các mục tiêu chính: Duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất Cà phê nhân đạt từ 2 - 2,5 tấn Cà phê nhân/ha. Hằng năm, dự kiến xuất khẩu 9.000 - 11.000 tấn Cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ,... Tập trung tiêu thụ các sản phẩm Cà phê tiêu dùng, Cà phê chế biến sâu tại thị trường trong nước, trong tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha, ghép cải tạo 1.350 ha. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh, với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất Cà phê đặc sản, Cà phê chất lượng cao; 3.000 ha cây Cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ; xây dựng 01 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại xã Hua La. Thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào cụm công nghiệp.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh