dd/mm/yyyy

Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập

Trải qua hàng chục năm bén rễ với mảnh đất sơn la, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.


Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập

Trồng cà phê giúp người dân sơn la có thu nhập cao

Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều vùng núi cao của tỉnh miền núi Tây Bắc này. Với diện tích trồng lớn khoảng 17.000 ha, được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và Thành phố, với sản lượng ước đạt 35.000 - 40.000 tấn nhân mỗi năm, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Thoăn thoắt đôi tay lựa hái từng trái cà phê chín mọng, với nụ cười phấn khởi khi cà phê được cả mùa và giá, chị Phạm Thị Tuyết, Hội viên Nông dân bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La phấn khởi nói: Thời điểm này những nương cà phê của gia đình bà đã bắt đầu chín đỏ. Giá cà phê đầu vụ năm nay đang ở mức cao. Với diện tích gần 1,3 ha sắp bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, gia đình bà cũng sẽ huy động nhân công từ nhiều gia đình để thu hái cùng.

"Bao nhiêu cà phê thu hái từ trên nương về đều được thương lái thu mua hết, nhiều hộ gia đình còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm, nên bà con trồng cà phê bây giờ rất yên tâm, không còn lo đầu ra như trước. Với giá cả ổn định và tăng dần ngay từ đầu mùa, mọi người ai nấy đều phấn khởi. Đến nay, thương lái báo giá thu vào là 12.500 đồng/kg trái tươi", bà Tuyết nói.

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 2.

Chị Phạm Thị Tuyết, Hội viên Nông dân bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La đang thu hái diện tích cà phê chín sớm của gia đinh. Ảnh: Nguyễn Vinh

Còn tại xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) có 697 ha cây cà phê, trong đó khoảng 450 ha cho thu hoạch quả. Cây cà phê đang là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập và động lực chính thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Mặc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới cây cà phê đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều hộ trồng cà phê đạt thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Do vậy, đây là cây chủ lực được bà con đầu tư trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay.  

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 3.

Để đạt năng xuất, cũng như chất lượng ngay từ đầu năm, tỉnh Sơn La đã hướng dẫn nông dân chăm sóc nương cà phê, áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác để tăng thu nhập. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhận thấy giá cà phê ổn định nên nhiều hộ nông dân Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê. Trước thực tế đó, tỉnh Sơn La đã quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư vào phát triển cà phê trên địa bàn. HTX Bích Thao Sơn La được thành lập năm 2017, đến nay HTX Bích Thao Sơn La có 11 thành viên. HTX đi vào hoạt động đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của các thành viên và bà con nông dân trên địa bàn được thuận lợi. Mô hình sản xuất của HTX đã góp phần khẳng định thương hiệu cà phê Sơn La trên thị trường. Hiện nay, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước trung bình từ 2.000 – 4.000 tấn cà phê nhân, khoảng 1,5 tấn cà phê rang xay, cafe bột…

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Bích Thao Sơn La đang tiến hành kiểm tra chất lượng cà phê nguyên liệu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Bích Thao Sơn La, cho biết: Để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, HTX đã xây dựng và phát triển cà phê theo chuỗi khép kín, áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo chuỗi VietGap, UTZ. Toàn bộ diện tích cà phê của HTX tuân thủ các tiêu chí nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường canh tác không bị xâm hại, hạn chế sử dụng các hóa chất trong sản xuất, bảo đảm sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, HTX còn đầu tư nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, tự động động thay thế phương pháp thủ công. Hệ thống chế biến cà phê khép kín từ sơ chế theo phương pháp công nghệ cao đến tách vỏ cà phê, phơi sấy, rang xay và xử lý nước thải…

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 5.

Hiện nay, sản phẩm OCOP 5 sao của HTX Bích Thao Sơn La đã được đưa sang triển lãm ở Ý, Nhật, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Vinh

Sơn La phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

Mục tiêu đến năm 2025 phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha; năng suất bình quân đạt từ 2,0 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn; cải tạo, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; có khoảng 70 - 90% diện tích cà phê  cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận; Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "cà phê Sơn La". Dự kiến hàng năm xuất khẩu 25.000 - 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ,…

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 6.

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 7.

Đến nay, cây cà phê đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của vùng Nông thôn Tây Bắc , góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh đề nghị các vùng phát triển nguyên liệu cà phê như huyện: Mai SơnThuận ChâuYên ChâuSốp Cộp và thành phố Sơn La thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các hình thức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng cà phê trên đất có độ dốc lớn; trồng tái canh thay thế đối với diện tích già cỗi không thể ghép cải tạo, ghép cải tạo bằng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nhằm khai thác phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương.

Lựa chọn giống cây cà phê đưa vào trồng mới phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, rõ nguồn gốc; cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính đối với cây cà phê phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng như: Sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới tiết kiệm nước,... nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Sơn La: Phát triển cà phê bền vững, giúp người dân có thu nhập - Ảnh 8.

Cà phê Sơn La năm nay được đánh giá là được mùa, được giá, điều này đã giúp hàng nghìn hộ dân trồng cà phê có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La thông tin: Để đảm bảo phát triển cà phê trên địa bàn đi đôi với việc bảo vệ môi trường, Sở TN&MT và UBND cấp huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến cà phê, đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục- camera giám sát truyền thực tiếp qua app điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhất, không phân biệt không gian và thời gian giám sát.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở, Sở TN&MT đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.

Có thể thấy, cây cà phê đã đóng góp quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân; đồng thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Để cây cà phê bền vững, ngoài việc đảm bảo quy hoạch vùng trồng, còn phải tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với việc thành lập các hợp tác xã, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả cà phê, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La. 

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh