dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê

Sau nhiều năm liên tục đối mặt với điệp khúc "được mùa, mất giá" hay "được giá, mất mùa"... nông dân TP.Sơn La (Sơn La) vẫn gắn bó với cây cà phê.

Nông dân Sơn La gắn bó với cây cà phê

Thành phố Sơn La, một trong số các địa phương có diện tích cây cà phê lớn của tỉnh Sơn La. Cây cà phê được coi là cây trồng chủ lực của địa phương này, cũng nhờ cây cà phê cuộc sống của bà con nông dân khấm khá hơn, cỏ của ăn của để, vươn lên làm giàu, nhiều hộ gia đình còn có thu nhập cao từ loại cây trồng này.

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê - Ảnh 1.

Trên khắp các sườn đồi của thành phố Sơn La được phủ bằng màu xanh của những nương cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Thế nhưng đã có thời kỳ, cà phê không được giá, cùng với ảnh hưởng vì thiên tai, người dân nơi đây chặt phá vườn cà phê để chuyển đổi cây trồng, một số người còn bỏ đất hoang để đi làm công việc khác kiếm sống. Đứng trước thực trạng ấy, cấp ủy, chính quyền thành phố Sơn La phải gấp gáp vào cuộc. Nhờ vậy, nhiều diện tích cà phê được giữ lại. Niên vụ vừa rồi, cà phê được mùa, được giá, người trồng cà phê thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.

Bản Hùn xã Chiềng có hiện nay có 297 hộ thì có đến 280 hộ trồng cây cà phê. Ông Quàng Văn Bun, Trưởng bản Hùn xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) chia sẻ: bản Hun chỉ có khoảng 9ha lúa nước, còn lại là trồng 436 ha cà phê. Những năm trước đây cà phê mất giá, niềm tin vào cây cà phê bị lung lay, nhiều người đã nghĩ đến chuyện phá bỏ để trồng cây khác, tìm hướng thoát nghèo. Thấy vậy tôi động viên bà con cố gắng giữ lại cà phê, nhờ vậy điện tích cây cà phê của bản vẫn ổn định.

"Gia đình tôi có 1,6 ha cà phê, có vụ chỉ thu về 40 triệu đồng nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Năm vừa rồi, cũng với diện tích ấy, trừ chi phí tôi thu trên 100 triệu đồng, đấy là số tiền lớn nhà tôi có được. Cà phê được mùa, phấn khởi lắm" Ông Bun nói.

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê - Ảnh 2.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Tuệ Linh

Nói về cây cà phê trên vùng đất này trong những năm qua, ông Lèo Văn Hươi, bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) tâm sự: Cà phê đã nuôi sống nhiều người dân Chiềng Sinh bao đời nay. Để có vườn cà phê xanh ngút ngàn như bây giờ là bao mồ hôi, công sức của thế hệ cha ông tạo dựng đâu phải muốn bỏ là bỏ ngay được. 

"Nếu không giữ lập trường, thấy người ta trồng mận thì mình chặt cà phê trồng mận, thấy người ta trồng cam cũng muốn chặt cà phê trồng cam; đến khi mận, cam mất giá lại chặt đi để trồng cây khác…  Cứ như thế sẽ chẳng bao giờ có kết quả tốt được. Nhiều hôm đi ra vườn, nghe dân bản bàn chặt cà phê để trồng cây khác, rồi nghe chuyện cà phê không còn là cây chủ lực, không còn là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng tôi không hề nao núng. Mà chắc gì trồng cây khác đã tốt hơn. Với diện tích trên 2ha cà phê, năm nay gia đình tôi thu về gần 150 triệu đồng. Số tiền ấy là niềm mơ ước của bao đời người thái ở bản Noong Đúc" Ông Hươi nói.

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê - Ảnh 3.

Ông Lèo Văn Hươi, bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) đang tiến hành chăm sóc cắt cành, tỉa lá cho vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Dọc theo con đường mòn, 2 bên đường là những vườn cà phê xanh ngút ngàn. Chúng tôi gặp ông ông Đào Ngọc Chinh, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La ( Sơn La) đang cắt tỉa, chăm bón cho vườn cà phê của gia đinh. Ông Chinh cũng là người tâm huyết, gắn bó với cây cà phê từ khi bén rế ở vùng đất này. Với ông Chinh, cây cà phê là cả một ký ức, ông chưa bao giờ có ý định thay thế cà phê bằng cây trồng khác.

"Năm nay vừa được mùa vừa được gia gia đình phấn khởi lắm. Nhà có gần 2 ha cà phê, thời điểm gia cà phê cao, cũng là thời điểm vườn nhà tôi chín rộ, giả lên đến 18.000-19.000 nghìn đồng/kg cà phê tươi, trừ chi phí đầu tư năm nay gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng. Chăm sóc tốt như này, mong sao năm sau giá vẫn cao để dớ mất công người nông dân", ông Chinh nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Nếu giá cả được duy trì ổn định với mức từ 7 – 10 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ giúp người nông dân nâng cao cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, góp phần duy trì xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê - Ảnh 4.

Ông Đào Ngọc Chinh, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) cắt, tỉa những cành cà phê bị sâu bệnh không có khả năng ra quả của vườn cà phê gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cây cà phê trở thành cây trồng chủ lực của thành phố Sơn La

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố Sơn La có khoảng trên 4.880 điện tích cà phê, tập chung ở các xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Sinh, Chiềng Ngần... Cây cà phê đã giúp cho người nông dân có thu nhập ổn định.

Để đạt năng suất, chất lượng, sau mỗi vụ thu hoạch, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp cùng với các đơn vị xã, phường tuyên truyền, khuyến cáo bà con thu hoạch đến đâu chăm sóc nương cà phê đến đó; sử dụng phân vi sinh hoặc phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục để bón cho cây, các loại phân này đều giúp đất tơi xốp, gia tăng các hệ vi sinh vật có lợi trong đất, hạn những bệnh gây hại có trong đất. Từ đó, cây cà phê sẽ dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn.

Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê - Ảnh 5.

Nhờ cây cà phê người nông dân thành phố Sơn La có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, để giúp người dân chăm sóc cà phê hạn chế thấp nhất các loại sâu bệnh cho cây cà phê, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các đơn vị xã phường tuyên truyền, hướng dẫn khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra vườn cây, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để có các biện pháp chủ động phòng chống.

Có thể thấy, cây cà phê đã đóng góp quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân; đồng thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.       

Văn Ngọc