Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi
Xã Cò Nòi có lợi thế lớn bởi địa hình rộng, tương đối bằng phẳng, đáp ứng yêu cầu hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, quy mô tập trung theo hướng hàng hóa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc.
Chính vì vậy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi lên thăm nương mía xanh bạt ngàn đang vào vụ thu hoạch, bà Lò Thị Lan, bản Noong Te, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Năm 2009, bà được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV gia đình bà đã chuyển hơn 2 ha đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng mía. Vụ mía năm nay, gia đình bà ước tính thu về gần 200 triệu đồng từ mía. Nhờ trồng mía, đã giúp gia đình bà có của ăn, của để, các con được học hành chu đáo.
"So với trồng các loại giống cây trồng khác, trồng mía ít công chăm sóc hơn, nhàn hơn, có nhiều thời gian để làm việc khác, hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng bao tiêu nên gia đình tôi cũng như các hộ dân rất yên tâm", bà Lan nói.
Còn đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) nhận thấy tiềm năng đất đai của gia đình rộng lớn cùng với sự vận động tuyên truyền của địa phương về phát triển kinh tế. Với diện tích hơn 2 ha đất bằng, gia đình bà đã đầu tư khoan giếng lấy nước tưới, phát triển các loại cây ăn quả như: nhãn, na, xoài. Nhờ đi đúng hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích cây ăn quả gia đình bà Bảy cho năng suất và chất lượng cao. Trừ tất cả chi phí, gia đình bà thu về gần 200 triệu đồng/năm.
"Việc chăm sóc cây ăn quả để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, người nông dân phải chăm sóc theo một quy trình chặt chẽ. Bây giờ bà con chúng tôi không phun thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát làm cỏ cho cây. Sản phẩm nông nghiệp chúng tôi làm ra được thương lái đến tận vườn thu mau", bà Bảy nói.
Nhận thấy điều kiện của gia đình có nguồn đất đồi rộng có thể trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc, gia đình ông Lò Văn Kim, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã dùng một phần diện tích vườn đồi của gia đình để trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
Ông Kim chia sẻ: Trước đây, gia đình ông chỉ chăn thả 1 đến 2 con trâu, bò, chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, lấy sức kéo. Nhưng khi thấy nhu cầu thị trường về thịt trâu, bò ngày càng cao. Cùng với việc học hỏi từ các mô hình nuôi trâu nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương khác. Gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại, đầu tự trâu, bò giống bắt đầu nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng từ năm 2015. Hiện nay gia đình ông duy trì từ 12-15 con bò vỗ béo mỗi đợt nuôi. Với kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo chuẩn, khoa học nên đàn bò của gia đình ông Kim lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá.
"Trong một năm, gia đình tôi bán trâu thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con bò đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 20- 25 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 120 triệu đồng", ông Kim nói.
Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi giúp nông dân tăng bứt phá
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi cho biết: Với lực lượng 1.535 hội viên, sinh hoạt tại 34 chi hội bản, tiểu khu. Hội luôn xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Hội đã vận động, thúc đẩy các phong trào thi đua SXKDG, xây dựng những điển hình tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đã và đang hình thành ở các vùng kinh tế tập trung, vùng trồng mía, rau xanh các loại, vùng trồng cây ăn quả.
Cùng với đó, Hội phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông phụ trách xã, Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao Việt Nam tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, chiết ghép cây ăn quả, quy trình chăm sóc, bao bọc trái, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho cây trồng an toàn, được 06 lớp, với trên 300 lượt hội viên nông dân tham gia. Tư vấn, hướng dẫn cho 550 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật ủ chua thức, hướng dẫn che chắn chuồng trại cho gia súc gia cầm trong mùa đông, phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô.
Hội chủ động nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 6 tỷ đồng cho 343 hộ hội viên vay phát triển kinh tế; tư vấn và hướng dẫn hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng kinh tế tập trung.
Với cách làm hiệu quả, khoa học, đến nay xã Cò Nòi duy trì, phát triển trên 1,555 ha cây ăn quả, dâu tây 40 ha; mía niên vụ năm 2021 - 2022 sản lượng ước đạt 116.900 tấn. Tổng đàn gia súc toàn xã đến nay có 15.945 (trong đó: Đàn trâu 1.645 con; đàn bò 2.588 con; đàn dê 1.077 con; đàn lợn 10.635con); đàn gia cầm có 83.116 con.
Có thể thấy, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở Cò Nòi đã tác động tích cực tới các hội viên nông dân, giúp họ đổi mới tư duy, cách làm để áp dụng các loại cây, con giống có năng suất và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.