dd/mm/yyyy

Sìn Hồ: Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng dược liệu.

Sìn Hồ từng là một trong những nông trường dược liệu lớn nhất cả nước.

Phần lớn các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ đều nằm trên độ cao trung bình từ 1.500 – 1.800 mét so với mực nước biển, khí hậu đặc trưng của nhiệt đới núi cao, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 20 đến 22 độ C. Với khí hậu mát mẻ đó hoàn toàn phù hợp cho các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển ở vùng cao Sìn Hồ.

Thập niên 70-80 được xem thời kỳ hoàng kim của ngành dược liệu nơi đây. Sìn Hồ từng là một trong những nông trường cung cấp dược liệu lớn trong nước. Dù đã bước vào tuổi "thất thập", nhưng bà Nguyễn Thị Lý (khu 5, thị trấn Sìn Hồ) vẫn nhớ như in về thời hoàng kim của nông trường dược liệu - nơi mà bà gắn bó trong khoảng thời gian dài.

Sìn Hồ: Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu - Ảnh 1.

Người dân Sìn Hồ chăm sóc cây đương quy.(Ảnh: Thanh Ngân)

Bà Lý bồi hồi nhớ lại: "Ngày đấy, nông trường dược liệu được chia thành nhiều tổ sản xuất, có tổ lên tới gần 200 người. Bản Mao Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) là một trong những địa bàn sản xuất trọng điểm. Mỗi năm, khu vực này cung ứng hàng chục tấn dược liệu chưa qua sơ chế cho các công ty dược phẩm. Nông trường lúc nào cũng tấp nập cảnh chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu. Người dân ở các vùng lân cận nông trường cũng học hỏi được không ít kỹ thuật trồng, chăm sóc dược liệu.

Nhiều hộ dân mạnh dạn mua giống về trồng trên nương, khu rừng, thậm chí ngay tại khu vườn của gia đình. Nhờ trồng cây thuốc chữa bệnh, đời sống bà con cũng thêm no ấm. Khi bước vào cơ chế kinh tế thị trường, do trình độ quản lý và kinh doanh yếu kém, sản xuất lạc hậu, nên nông trường dược liệu đã bị giải thể khiến cho hàng ngàn hộ nông dân thiếu nguồn thu rơi vào cảnh đói nghèo".

Nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục cây dược liệu ở Sìn Hồ

Vùng dược liệu Sìn Hồ giờ đây chỉ còn được nhắc tới trong ký ức của những người tâm huyết với nghề làm thuốc. Không để lãng phí tiềm năng, thế mạnh, huyện Sìn Hồ đã và đang có nhiều giải pháp nhằm "đánh thức" vùng dược liệu.

Sìn Hồ: Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu - Ảnh 2.

Sìn Hồ đã hình thành vùng trọng điểm dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo...(Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho biết: Thông qua thực hiện các chính sách 30a, 135, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030" huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu. Tới thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có hơn 600ha dược liệu các loại. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, huyện Sìn Hồ đã trồng mới được gần 120ha, chủ yếu là các loại cây như: Atisô, đương quy. Với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng, huyện Sìn Hồ đã hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.

Cây dược liệu chữa "bệnh nghèo" cho người dân vùng cao Sìn Hồ

Khôi phục vùng trồng dược liệu đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, có cơ hội vươn lên. Đời sống, thu nhập của không ít hộ dân huyện Sìn Hồ được cải thiện, nâng cao nhờ trồng dược liệu. Ông Mùa Chờ Dì – Bí thư Chi bộ bản Sà Dề Phìn (xã Sà Dề Phìn) chia sẻ: "Trước đây, đời sống kinh tế của nhiều hộ trong bản còn gặp khó khăn. Từ khi đưa cây Atisô vào trồng thay thế cây ngô, sắn, thu nhập của nhiều hộ dân trong bản được nâng lên. Không ít hộ dân trong bản đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ trồng cây Atiso. Có hộ dân thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây Atiso đấy".

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dược liệu đem lại, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ mạnh dạn đầu tư trồng các loại thảo dược quý này. Phong trào trồng dược liệu lan rộng ra nhiều bản ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng các giống dược liệu khác như: Sa nhân tím, đương quy, đỗ trọng. Trên địa bàn xã Sà Dề Phìn cũng đã có một số cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư trồng khảo nghiệm Sâm Lai Châu và một số loại dược liệu quý khác dưới tán rừng, qua kiểm tra đánh giá đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Sìn Hồ: Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu - Ảnh 3.

Cây atisô giúp người dân Sìn Hồ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.(Ảnh: Thanh Ngân)

Song song với mở rộng diện tích, huyện Sìn Hồ đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm dược liệu vào địa bàn. Hiện nay, Hợp tác xã Sâm – Tam thất Sìn Hồ, Công ty Cổ phần Nông nghiệp và thương mại Hà Sơn đã liên kết với các hộ trồng dược liệu trên địa bàn huyện, hình thành chuỗi liên kết hỗ trợ phát triển trồng cây Atisô tại các xã Phăng Xô Lin, Tả Ngảo và Sà Dề Phìn.

Từ các sản phẩm dược liệu, qua sơ chế, chế biến đã giúp Sìn Hồ có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận OCOP. Dược liệu được bao tiêu, được chế biến thành hàng hóa, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập. Thực tế cho thấy, so với các giống cây trồng khác dược liệu khẳng định về ưu thế, hiệu quả kinh tế, trở thành cây trồng giúp Sìn Hồ xóa đói, giảm nghèo nếu tiếp tục được định hướng phát triển và tăng cường liên kết trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Sìn Hồ tiếp tục hình thành các khu sản xuất dược liệu tập trung

Trong đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025" huyện Sìn Hồ đã xác định dược liệu là một trong những sản phẩm được đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản.

Sìn Hồ: Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu - Ảnh 4.

Trong những năm tới, huyện Sìn Hồ sẽ tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân, mỗi năm trồng hơn 100ha cây đương quy, Atisô tại các xã vùng cao.(Ảnh: Thanh Ngân)

Thời gian tới, huyện Sìn Hồ tiếp tục duy trì, phát triển diện tích các loài cây dược liệu hiện có; Tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân, mỗi năm trồng hơn 100ha cây đương quy, Atisô tại các xã vùng cao; Bảo tổn, phát triển một số loại dược liệu quý như: sâm Lai Châu, Thất diệp nhất chi hoa. Cùng với mở rộng diện tích, tăng cường liên kết chuỗi phát triển, bao tiêu sản phẩm, huyện cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến trong thời gian tới, đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu tại xã Sà Dề Phìn.

Trải qua không ít thăng trầm, dược liệu vẫn tiếp tục bám trụ, khẳng định sức sống mạnh liệt trên mảnh đất vùng cao Sìn Hồ. Không chỉ là cây thuốc chữa bệnh cứu người, nhờ trồng dược liệu, nhiều hộ dân ở Sìn Hồ đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Thanh Ngân-Phạm Hoài