dd/mm/yyyy

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản

Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại 4 cơ sở chế biến cà phê ...

Clip: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản

Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường

Ngày 17/6, Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La do ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm trưởng đoàn cũng nhiều lãnh đạo, chuyên viên sở Tài nguyên - Mỗi trưởng tỉnh Sơn La đã kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại 4 cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.

Niên vụ cà phê 2021 - 2022, tỉnh Sơn La có khoảng 20.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt 40.000 - 45.000 tấn nhân. Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường đối với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 2.

tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp trước, trong và sau niên vụ cà phê, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm do chế biến cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Hình thức kiểm tra gồm trực tiếp tại cơ sở và giám sát thông qua camera tại khu vực xử lý chất thải. Đồng thời, giao UBND cấp xã thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, trường hợp có vấn đề phát sinh kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND huyện, Đoàn kiểm tra.

Đến nay, toàn bộ các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung đã dừng các hoạt động thu mưa và chế biến cà phê tươi. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và tình hình hoạt động của các công trình xử lý chất thải sau khi kết thúc niên vụ cà phê 2021 - 2022.

Ghi nhận tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, niên vụ năm 2021-2022, Công ty đã tiến hành thu mua và chế biến 9.646 tấn cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Quá trình hoạt động, Công ty cơ bản đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đã tiến hành thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải sản xuất, truyền dữ liệu về Sở TN&MT.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 3.

Bể thu gom, xử lý chất thải xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, Công ty đã tiến hành thu mua và chế biến 5.357 tấn cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê bản Sẳng xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La. Quá trình hoạt động, Công ty cơ bản đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đã tiến hành thu gom, xử lý chất thải; đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải, truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Tuy nhiên, hiện Công ty chưa hoàn thiện Hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình của dự án gửi Sở Xây dựng thẩm định; chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 4.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 5.

Khu vực thu gom, thu gom, xử lý chất thải của Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến tại xưởng chế biến cà phê bản Sẳng xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Niên vụ vừa qua, Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La đã tiến hành thu mua, chế biến 11.388 tấn cà phê tươi. Quá trình hoạt động sản xuất, Hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm của Nhà máy gặp sự cố, chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý không đảm bảo quy chuẩn.

Thực hiện yêu cầu của Đoàn kiểm tra, Công ty đã dừng các hoạt động của Trạm xử lý nước thải, không xả nước thải ra môi trường, xây dựng 1 hồ kỵ khí HDPE dung tích 7.200m3 để lưu giữ nước thải. Bên cạnh đó, xây dựng 1 hồ chứa được phủ bạt HDPE dung tích 484m3 để tiếp nhận nước thải sau sản xuất và nước rỉ vỏ từ khu vực ủ bã vỏ cà phê. Đối với hồ tiếp nhận nước thải, Công ty đã tiến hành bơm nước về hồ chứa nước thải và rắc vôi bột để khử trùng.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 6.

Khu xử lý chất thải của nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Công ty cũng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải sản xuất, truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Song, Công ty chưa gửi Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hạng mục xử lý nước thải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, thực hiện tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 7.

Các chất thải được xử lý qua nhiều hệ thống bể lọc. Ảnh: Văn Ngọc

Đối với Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, niên vụ năm 2021-2022, Hợp tác xã đã tiến hành thu mua và chế biến 11.868 tấn cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Quá trình hoạt động, Hợp tác xã cơ bản đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đã tiến hành thu gom, xử lý chất thải; đã lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xử lý nước thải sản xuất, truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Tuy nhiên, hiện đơn vị chưa hoàn thiện các nội dung giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định; chưa tổ chức nghiệm thu các hạng mục Hệ thống thu gom xử lý chất thải (được Sở Xây dựng kiểm tra nghiệm thu) theo quy định.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 8.

Khu xử lý chất thải của Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Chủ động bảo vệ môi trường trước mùa chế biến nông sản

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La đánh giá: Niên vụ vừa qua, các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung đã cơ bản chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tiến hành thu gom xử lý chất thải theo đúng quy trình. Đã tiến hành lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát lưu lượng, hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý nước thải.

Sở TN&MT và UBND cấp huyện đã kiên quyết kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến cà phê, đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục- camera giám sát truyền thực tiếp qua app điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhất, không phân biệt không gian và thời gian giám sát.  Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở, Sở TN&MT đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 9.

Tỉnh Sơn La đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Ảnh: Văn Ngọc

Tuy nhiên, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác bảo vệ môi trường trong niên vụ nông sản vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, do diện tích trồng và sản lượng cà phê đang ngày càng gia tăng. Các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung chưa đảm bảo tiêu thụ sản lượng cà phê tươi trên toàn tỉnh, dẫn đến phát sinh hoạt động sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, nguy cơ ô nhiễm cao. Do đó, cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản (đặc biệt là cà phê) quy mô lớn để đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng chế biến cà phê và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, việc di chuyển Xưởng chế biến cà phê Cát Quế vào Cụm công nghiệp Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân do Cụm Công nghiệp Tông Cọ vẫn đang trong giai đoạn triển khai bổ sung quy hoạch, thành lập và lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, tiến độ di chuyển Xưởng chế biến cà phê Cát Quế không đảm bảo yêu cầu, trong khi niên vụ cà phê năm 2022-2023 đã gần kề (dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2022).

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 10.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, nhìn chung, các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung đã đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Niên vụ 2021-2022, tỉnh đã quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, cơ bản các đơn vị đã chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường; triển khai ký cam kết về bảo vệ môi trường, chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống, không để xảy ra sự cố môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở có vi phạm nhỏ lẻ, đều đã kịp thời xử lý, yêu cầu cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, triển khai Luật BVMT 2020, UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất chế biến. Trong đó, hoạt động kiểm tra hôm nay cũng là bước chuẩn bị cho niên vụ cà phê 2022-2023. Việc tăng cường giám sát là hoạt động thường xuyên còn góp phần chung tay tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản - Ảnh 11.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; hướng dẫn các cơ sở khẩn trương hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Ngọc

Với một số cơ sở nhỏ lẻ của hộ gia đình, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, đặc biệt là Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở ký cam kết về bảo vệ môi trường; yêu cầu đóng cửa với cơ sở không đảm bảo về môi trường. Tỉnh cũng định hướng cho các huyện về phương án có những cơ sở xử lý môi trường tập trung, thu gom các cơ sở nhỏ lẻ để xử lý đảm bảo môi trường bền vững.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh