dd/mm/yyyy

Sơn La: Yêu cầu người dân thu hái cà phê đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng

Trước tình trạng người dân ở một số nơi thu hái cà phê Sơn La không đảm bảo chất lượng, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản gửi Sở NNPTNT; UBND các huyện, thành phố về việc thu hái quả cà phê đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Sau khi nhận được thông tin về việc thu hái cà phê không đảm bảo chất lượng ở một số vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, ngày 20/12, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng với Sở NNPTNT, UBND huyện Mai Sơn và một số đơn vị liên quan đi kiểm tra tại một số địa bàn đang thu hái, sơ chế cà Phê trên địa bàn tỉnh.

Qua thực tế kiểm tra, việc người dân thu hái cả quả non để bán cho một số cơ sở chế biến còn nhiều. Việc làm này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Cà Phê tỉnh Sơn La.

Yêu cầu người dân thu hái cà phê Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng - Ảnh 1.

Vì giá cà phê cao nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La hái cả quả xanh để bán, điều này sẽ làm mất uy tín thương hiệu Cà Phê Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Trước tình trạng này, ngày 22/12, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản số 4494/UBND-KT về việc thu hái cà phê đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng do ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ký gửi Sở NNPTNT; UBND các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và thành phố Sơn  La.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và thành phố Sơn La chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu hái cà phê theo hướng dẫn của Sở NNPTNT. Quả cà phê tươi cho chế biến ướt phải có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên; quả cà phê tươi cho chế biến khô phải có tỷ lệ quả chín đạt từ 80% trở lên.

Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thu mua quả cà phê non, cà phê không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc thu hái cà phê không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Cà Phê Sơn La.

Yêu cầu người dân thu hái cà phê Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng - Ảnh 2.

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Ảnh: Tuệ Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị Hội Cà phê tỉnh Sơn La tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các Hội viên, Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh không mua cà phê non, không đảm bảo chất lượng (nhất là mua cà phê non của tỉnh khác về chế biến tại tỉnh Sơn La).

Khắc phục hiện tượng tranh mua, tranh bán gây ảnh hưởng đến vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh, làm mất uy tín về thương hiệu Cà Phê Sơn La.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Cuối niên vụ cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La bắt đầu từ tháng 12 có một tình trạng rất xấu. Việc này nếu không quyết liệt trong triển khai, người nông dân không cố gắng, hợp tác xã, doanh nghiệp không vào cuộc thì chúng ta sẽ mất thương hiệu Cà Phê Sơn La.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, giá cà phê tươi trên địa bàn tỉnh đang được thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Do vậy, có hiện tượng người dân thu hái quả cà phê xanh bán cho các cơ sở chế biến. Ngoài ra còn có chuyện mua cà phê xanh từ Điện Biên về trộn vào cà phê Sơn La bán cho các cơ sở chế biến.

"Ai cũng biết rằng quả cà phê xanh chưa đủ dưỡng chất, chưa thể đưa vào chế biến được. Qua kiểm tra thí điểm tại một đơn vị lớn trên địa bàn tỉnh, có khoảng 60% quả chín và 40% quả xanh. Việc được giá 20.000 đồng/kg, người dân tuốt hết quả cà phê xanh đi bán ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Cà Phê Sơn La", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết thêm.

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Niên vụ cà phê năm 2021 – 2022, Sơn La có trên 20.000 ha, sản lượng khoảng 350.000 tấn quả tươi, sản lượng cà phê nhân ước đạt 40.000 – 45.000 tấn, trị giá 3.500 - 4.000 tỷ đồng.
PV Tây Bắc