Người trồng cà phê Sơn La phấn khởi vì được mùa, được giá
Cây cà phê - lợi thế lớn ở vùng Nông thôn Tây Bắc
Với bà con vùng Nông thôn Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng thì thu nhập từ cây cà phê ảnh hưởng tới đời sống cả ngàn hộ dân. Năm 2021 này, anh Lường Văn Chung, bản Tường Chung, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn có gần 1,2 ha cây cà phê, dự kiến cho thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán từ 12.000 – 14.000 đồng/kg như hiện nay, anh dự kiến thu về được trên 200 triệu đồng.
Anh Chung chia sẻ: Giá trị kinh tế của cây cà phê đối với bà con nói chung là ổn định. Có những hộ thu được từ 20 đến 30 tấn/1 năm. So với trồng cây ngô, cây sắn thì trồng cà phê ổn định hơn. Từ khi trồng cà phê đến nay gia đình tôi đã có của ăn, của để.
"Những năm gần đây khi thương hiệu cà phê Sơn La được nhiều khách hàng biết đến thì giá cả đã tăng lên. Đặc biệt, trên địa bàn xã có cơ sở sơ chế cà phê lớn nên bà con rất yên tâm sản xuất vì không phải lo lắng trong việc tìm đầu ra", anh Chung nói.
Đến nay xã Chiềng Chung có 697 ha cây cà phê, trong đó khoảng 450 ha cho thu hoạch quả. Cây cà phê đang là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập và động lực chính thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Mặc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới cây cà phê đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều hộ trồng cà phê đạt thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Do vậy, đây là cây chủ lực được bà con đầu tư trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay.
Đòn bẩy xoá nghèo ở vùng Nông thôn Tây Bắc
Còn tại xã Chiềng Ban, nơi được coi là "thủ phủ" cà phê của Sơn La, diện tích hiện tại đạt trên 1.250 ha. Từ những năm 1990 cây cà phê đã được đưa vào trồng tại đây. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều trồng cây cà phê.
Chính điều này, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa xã Chiềng Ban đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Hiện mức thu nhập bình quân trên đầu người của xã đạt đạt 37,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%.
"Nếu giá cả hiện tại duy trì được như thế này, giúp bà con nâng được cuộc sống, đảm bảo an sinh; thứ hai nữa là đồng hành cùng với xã duy trì xã nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu", ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho hay.
Có thể thấy, cây cà phê đã đóng góp quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân; đồng thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến niên vụ 2021- 2022 sản lượng cà phê của tỉnh Sơn La đạt khoảng 350.000 - 400.000 tấn quả tươi. Có 99% sản lượng cà phê tươi được sơ chế thành cà phê nhân phục vụ tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.
Để cây cà phê bền vững, ngoài việc đảm bảo quy hoạch vùng trồng, còn phải tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với việc thành lập các hợp tác xã, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả cà phê, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La.