Vượt khó làm đẹp Nông thôn Tây Bắc
Là xã thuần nông ở vùng Nông thôn Tây Bắc, kinh tế, xã hội của xã Mường Thải còn nhiều khó khăn. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã mới chỉ đạt 1 tiêu chí quy hoạch, đây là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và người dân xã Mường Thải.
Xác định xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã. Mường Thải đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, Ban phát triển nông thôn mới các bản. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí theo từng năm theo phương châm hành động "dễ làm trước, khó làm sau". Đặc biệt là xây dựng kế hoạch tổ chức "Ngày thứ bảy tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới" tại các bản.
Để xây dựng nông thôn mới bền vững phải nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Theo đó, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện từng tiêu chí. Đồng thời, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển sản xuất hàng hóa.
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, người dân trong xã duy trì gieo cấy gần 120 ha lúa ruộng hai vụ; chăm sóc hơn 2.000 con gia súc, trên 33.000 con gia cầm các loại.
Đánh thức lợi thế Nông thôn Tây Bắc
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển trồng cây ăn quả, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả. Nhờ đó, xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có hơn 200 ha cây ăn quả chủ yếu là cam, quýt, bưởi, nhãn…, sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện cấp, kết hợp lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình 135, 30a, nông thôn mới và sự đóng góp của nhân dân để hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thiết yếu, như, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, đường giao thông liên bản... từng bước làm thay đổi diện mạo của xã.
Hiện nay, 8/8 bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 8 km đường nội bản, ngõ xóm được cứng hóa; 5 công trình thủy lợi được kiên cố, đảm bảo đủ nước tưới cho 90% diện tích ruộng lúa; 100% bản có nhà văn hóa...
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Mường Thải đã đạt 12/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; thủy lợi; điện; trường học; chợ nông thôn; thông tin và truyền thông; lao động có việc làm; hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục; quốc phòng và an ninh; tiếp cận pháp luật; y tế.
Ông Đinh Đức Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông… Phấn đấu, hết năm 2021, đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; xây dựng Văn Phúc Yên thành bản nông thôn mới.