Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, cho biết: Thành phố Sơn La nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng, an ninh của tỉnh. Những năm qua, xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên vấn đề môi trường luôn UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Hàng năm, đều xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác bảo vệ môi trường. Đề ra nhiều giải pháp tích cực như tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường…
Đặc biệt là thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường sát với tình hình thực tiễn của địa phương và các cơ quan, đơn vị, với các nội dung, như: Hưởng ứng "ngày môi trường thế giới" và chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; mở rộng công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại đường ngõ, xóm; thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; đôn đốc thực hiện các nội dung thuộc tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; triển khai, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hố rác di động phân loại và xử lý chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy tại các gia đình…
Gần đây nhất là việc thành phố đã ban hành công văn số 2270/UBND-KT về chỉ đạo tổ chức tháng cao điểm vệ sinh môi tường nông thôn. Các hoạt động được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng và thực hiện. Từ những giải pháp thiết thực trên, nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, nhân dân thành phố Sơn La đã được nâng cao. Lượng rác thải được thu gom xử lý đạt 94,47; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được triển khai bằng nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức đoàn thể, triển khai nhiều hoạt động thiết thực; tăng cường xây dựng công viên cây xanh, dải cây xanh ngăn cách khu công nghiệp và khu dân cư; tiến hành di chuyển một số đơn vị sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tổ chức kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường...
Về xử lý nước thải, hiện nay thành phố đang triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải do Na Uy tài trợ được xây dựng tại xã Chiềng Xôm với công suất xử lý 10.000 m3/ngày. Sau khi dự án hoàn thành sẽ thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các khu vực trung tâm thành phố. Năm 2014, khu xử lý rác thải thành phố tại bản Pát xã Chiềng Ngần đã đi vào hoạt động với quy mô xây dựng 20,5ha, bao gồm các hạng mục: Bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh công suất 600 m3, nhà máy chế biến rác làm phân hữu cơ có công xuất 80tấn/ngày, sản lượng phân hữu cơ đạt 5.600 tấn/năm.
Đối với công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên được tuyên truyền, triển khai thực hiện theo các dự án của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Theo đó, các bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn thành phố sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo quy định. Duy trì và phát triển cây xanh trồng tại các tuyến đường, các khu dân cư, công sở, trường học nhằm tạo môi trường trong lành và tạo mỹ quan đô thị. Hàng năm, tổ chức ngày lễ trồng cây tại các khu vực hồ ao, kênh mương, sông suối được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ, các khu vực công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất rắn bừa bãi.
Theo ông Lê Trọng Bình: Trong quá trình triển khai thực hiện thành phố còn gặp một số khó khăn. Do địa bàn thành phố rộng nên việc thu gom, xử lý rác thải ở một số địa bàn nông thôn gặp khó khăn, các hộ gia đình chủ yếu tự phân loại rác, chôn lấp rác trong vườn. Hơn nữa, diện tích trồng cà phê trên địa bàn nhiều, nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ hoạt động chui, tiềm ẩn nguy cơ xả thải trái phép; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đang trong quá trình thi công…
Để nâng có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp: Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân đối với bảo vệ môi trường, đưa nội dung tuyên truyền vào cuộc họp xã, phường, bản, tổ dân phố; hoàn thiện hệ thông xử lý thoát nước và xử lý nước thải của thành phố; quy hoạch diện tích cây trồng cà phê, tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, đồng thời hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sơ chế…