Clip: Phát triển cà phê không để ảnh hưởng đến môi trường
Sơn La phát triển cà phê chè (Arabica) có sản lượng lớn của cả nước
Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau hơn 75 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều vùng núi cao của tỉnh miền núi Tây Bắc này. Với diện tích trồng lớn khoảng 20.000 ha, được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố, với sản lượng ước đạt 40.000 - 45.000 tấn nhân mỗi năm, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Hiện nay, sản lượng cà phê chủ yếu sơ chế theo phương pháp ướt và nửa ướt. Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, nguồn nước, tỉnh Sơn La đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan đối với các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn.
Ông Vũ xuân Hùng, phó Giám đốc Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh cho biết: Đối với Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, niên vụ năm 2021-2022, Hợp tác xã đã tiến hành thu mua và chế biến 11.868 tấn cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Quá trình hoạt động, Hợp tác xã cơ bản đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đã tiến hành thu gom, xử lý chất thải; đã lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xử lý nước thải sản xuất, truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
Mục tiêu đến năm 2025 phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha; năng suất bình quân đạt từ 2,0 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn; cải tạo, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; có khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận; Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "cà phê Sơn La". Dự kiến hàng năm xuất khẩu 25.000 - 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ,…
Gắn phát triển cà phê với bảo vệ môi trường
Để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh đề nghị các vùng phát triển nguyên liệu cà phê như huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các hình thức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng cà phê trên đất có độ dốc lớn; trồng tái canh thay thế đối với diện tích già cỗi không thể ghép cải tạo, ghép cải tạo bằng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nhằm khai thác phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương.
Lựa chọn giống cây cà phê đưa vào trồng mới phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, rõ nguồn gốc; cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính đối với cây cà phê phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng như: Sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới tiết kiệm nước,... nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La thông tin: Để đảm bảo phát triển cà phê trên địa bàn đi đôi với việc bảo vệ môi trường, Sở TN&MT và UBND cấp huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến cà phê, đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục- camera giám sát truyền thực tiếp qua app điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhất, không phân biệt không gian và thời gian giám sát.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở, Sở TN&MT đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác bảo vệ môi trường trong niên vụ nông sản vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, do diện tích trồng và sản lượng cà phê đang ngày càng gia tăng. Các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung chưa đảm bảo tiêu thụ sản lượng cà phê tươi trên toàn tỉnh, dẫn đến phát sinh hoạt động sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, nguy cơ ô nhiễm cao.
Do đó, cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản (đặc biệt là cà phê) quy mô lớn để đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng chế biến cà phê và bảo vệ môi trường.