dd/mm/yyyy

Mai Sơn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá

Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua huyện Mai Sơn đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, nhiều nông hộ sinh sống trên địa bàn huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mường Bon, mô hình trồng cây ăn quả tại xã Cò Nòi, Chiềng Mung, Chiềng Sung... là minh chứng rõ nhất về hiệu quả công tác chuyển đổi sản xuất.

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 1.

Nhiều mô hình trồng rau của bà con nông dân xã Mường Bon (huyện Mai Sơn) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ áp dụng kỹ thuật mới.

Là 1 trong những hộ có thu nhập khá giả từ việc trồng rau cải VietGAP, ông Phạm Văn Đấu, bản Mai Tiên (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)-người đã chịu khó tìm tòi và đi học tập kinh nghiệm từ các vườn trại lớn ở huyện Mộc Châu về áp dụng vào vườn rau của mình, với mong muốn tăng cao nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. 

Ông Đấu cho biết: "Trước đây tôi chỉ trồng rau để phục vụ gia đình, chứ chưa biết biến chúng thành hàng hóa bán kiếm tiền, nhờ có sự tuyên truyên vận động của huyện về chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế hiệu quả trong sản xuất, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng rau cải VietGAP trên 5.000m2 đất ruộng. Hiện tôi đang trồng thêm các loại rau củ, quả như: Cà chua, xà lách, mồng tơi, hành, rau muống... Thực tế cho thấy hiệu quả từ sản xuất rau an toàn VietGAP cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây truyền thống trước đây. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi 150 triệu đồng– 180 triệu đồng".

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 2.

Mô hình trồng cam của ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2 (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Được biết, cùng với chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn có giá trị cao, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại thu nhập cao, như: Bưởi, cam, xoài Đài Loan, nhãn, na, mía.... Đối với cây lúa, huyện đã tập trung mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại và duy trì ổn định diện tích gieo cấy hàng năm trên các cánh đồng ở Mường Bon, Mường Chanh, Chiềng Mai..., góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. 

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã nâng giá trị canh tác của huyện Mai Sơn đến nay đạt hàng trăm triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại có áp dụng khoa học công nghệ làm tăng năng suất, chất lượng đã và đang được huyện đẩy mạnh.

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 3.

Đến nay trên địa bàn huyện Mai Sơn đã có trên 8.600 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, có trên 2.700 ha cho đã cho thu hoạch, với sản lượng quả 38.600 tấn.

Nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, ông Trần Huy Liên, tiểu khu Thống Nhất (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã có cuộc sống khá giả. Ông Liên cho biết: "Tôi ghép mắt nhãn Miền Thiết lên 200 gốc nhãn địa phương trên 1,2 ha nương rẫy và trồng 1ha xoài Đài Loan. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lời hơn hơn 300 triệu đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn nhãn phát triển tốt, tôi khoan giếng, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới cho 1,2ha nhãn. Tôi dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng. Từ lúc trồng cây ăn quả đến nay, điều kiện kinh tế của gia đình tôi đã dư giả hơn".

Thời gian qua kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Mai Sơn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát triển sản phẩm hàng hóa, thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết cấu hạ tầng phục đời sống, sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 5.

Nhiều diện tích trồng cà phê ở xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Chanh... đã mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.

Chia sẻ với PV Báo Nông thôn ngày/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Trần Đắc Thắng, Bí thư huyện Mai Sơn, nhận định: "Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên toàn bộ diện tích cây trồng trên địa bàn huyện không ngừng tăng cao cả về chất và lượng.

Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra trong thời gian tới là nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, huyện tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, tiến tới xuất khẩu. Chúng tôi sẽ chú trọng thực hiện giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các cây trồng có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp".

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 6.

Mô hình trồng dâu tây ở Tân Thảo, xã Cò Nòi đang được nhiều hộ dân nhân rộng để phát triển kinh tế.

Theo ông Trần Đắc Thắng, Bí thư huyện Mai Sơn, huyện xác định trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, toàn huyện có trên 8.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó có trên 2.700 ha cho đã cho thu hoạch, với sản lượng quả trên 38.600 tấn.

Một số sản phẩm quả của huyện Mai Sơn đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật, DuBai, Úc, Hàn Quốc. Cùng với phát triển về diện tích, huyện đã quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm. Toàn huyện có 19 hợp tác xã sản xuất quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô gần 380ha; xây dựng 11 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 87 ha. Để bao tiêu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quả, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá  - Ảnh 7.

Nhờ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, đời sống vật chất của bà con nhân dân huyện Mai Sơn không ngừng được nâng cao rõ rệt.

Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện Mai Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao để mở rộng thay thế diện tích cây lương thực trên đất dốc. Đặc biệt là các mô hình, HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Hà Hoàng