dd/mm/yyyy

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê

Mở đầu chuỗi sự kiện Ngày hội cà phê thành phố Sơn La năm 2022, ngày 8/10, Thành ủy Sơn La đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê.

Clip: Sơn La có diện tích cà phê chè lớn nhất toàn quốc

Sơn La có diện tích  cà phê chè lớn nhất toàn quốc

Dự hội thảo có đồng chí Hà Trung Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các sở ban, ngành của tỉnh, thành phố; đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng, sản xuất cà phê trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Ở nước ta, Cà phê được khẳng định là mặt hàng nông sản quan trọng của quốc gia. Ngành cà phê góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tới trên 80 Quốc gia, đạt 1,56 triệu tấn với trị giá 3,07 tỷ USD. Hiện nay, nước ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhân và đứng số 1 thế giới về sản lượng cà phê Robusta.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 1.

Thành ủy Sơn La đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tại Sơn La từ đầu thập niên 90, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã định hướng phát triển cây công nghiệp, cây cà phê là cây mũi nhọn của tỉnh. Trải qua hơn 30 năm phát triển với bao thăng trầm, khó khăn chồng chất như: nguồn lực đầu tư khó khăn, kỹ thuật chưa cao,… cùng với đó là tình hình sâu bệnh, thời tiết không được thuận lợi như sương giá, sương muối phá hoại,… tưởng chừng mục tiêu phát triển cây cà phê của tỉnh ta sẽ phá sản vào năm 1999.

Đến nay, Sơn La đã là tỉnh trồng cà phê chè lớn nhất toàn quốc với diện tích trên 17.000Ha. Cà phê chè (Arabica) là loại cà phê chất lượng cao, giá trị thường gấp 1,5 – 2 lần so cà phê Vối (Robuta). Việt Nam 95% là cà phê Vối, chỉ có 5% là cà phê chè), do vậy Cà phê Sơn La có giá trị cao về mặt kinh tế. Sản lượng năm 2021 đạt trên 4.000 tấn nhân có giá trị trên 3.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. (Thuận châu với diện tích 5.600Ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000Ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400Ha). Với vị trí địa lý nằm giữa 02 huyện Thuận Châu và huyện Mai Sơn, như vậy có thể coi thành phố Sơn La là Trung tâm vùng nguyên liệu Cà phê của tỉnh ta.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 2.

Thành phố là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hiện nay Cà phê Sơn La  đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu). Năm 2017, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Cà phê Sơn La, Trên địa bàn thành phố có Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG và Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La  được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La. Năm 2021, sản phẩm Cà phê của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Còn tại thành phố Sơn La hiện nay, tổng diện tích Cà phê trên địa bàn thành phố là 4.991,63 ha, trong đó có khoảng 4.524,13 ha Cà phê kinh doanh, sản lượng quả tươi niên vụ năm 2022 - 2023 ước đạt khoảng 40.716 tấn. Diện tích trồng Cà phê chủ yếu tập trung tại các xã, phường: Hua La 1.312,71 ha, Chiềng Đen 1.267 ha, Chiềng Cọ 967,7 ha, Chiềng Ngần 794,51 ha, Chiềng An 270,9 ha, Chiềng Sinh 227,65 ha. Giá trị sản phẩm quả tươi hàng năm đạt từ 500 – 900 tỷ đồng. 

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 3.

Nhờ phát triển cà phê, người nông dân trên địa bàn thành phố Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cà phê trên địa bàn Sơn La

Tại hội nghị các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp phát triển cà phê như: Trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu được sâu bệnh, sương muối, thích hợp với điều kiện tự nhiên của Sơn nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu sản phẩm; giải pháp về truy xuất nguồn gốc. Về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế và chế biến cà phê, trong đó quan tâm tới các giải pháp chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; tạo nên các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đưa các giải pháp về mô hình sản xuất khép kín; đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường, xử lý rác thải, nước thải khi sơ chế, chế biến cà phê; các giải pháp tận dụng tối đa xử lý các chế phẩm khi sơ chế cà phê như việc ủ vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ; giải pháp về xây dựng nâng cao hơn nữa hiệu quả chuỗi liên kết 3 nhà (nhà nông, nhà sản xuất chế biến, nhà xuất khẩu tiêu thụ).

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 4.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVT tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2021, diện tích trồng cà phê của tỉnh là 17.997 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 16.083 ha, năng suất 18,14 tạ/ha (cà phê nhân), sản lượng đạt 29.180 tấn cà phê nhân. Về cơ cấu giống cà phê tại Sơn La chủ yếu là giống cà phê chè Catimor năng suất thấp, kích thước hạt cà phê giống Catimor nhỏ hơn, giá trị xuất khẩu chưa cao; Sơn La đã tập hợp được bộ giống cà phê chè có triển vọng đưa vào trồng thử nghiệm như giống cà phê: TN1, TN2, THA1, TN7, TN9.., tuy nhiên việc phát triển mở rộng diện tích còn thấp.

Cũng theo ông Định, để phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La đưa ra các giải pháp như: Lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác cây cà phê; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ phục vụ sản xuất cà phê; Hiện trạng về sản xuất an toàn; Xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La. Đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ trồng lại, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và chứng nhận tương đương, sản xuất cà phê đặc sản,… theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 5.

Các địa biểu tham dự Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Vũ Ngọc Huy, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cho biết: Chất lượng cà phê hay có thể nói ly cà phê ngon là yếu tố quyết định đến tiềm năng phát triển ngành Cà phê của toàn vùng Sơn La. Để có 1 ly Cà phê ngon ngoài các yêu cầu về canh tác và chế biến thì việc thu hái của các nông hộ hết sức quan trọng, vì việc thu hái quyết định đến tính chất của nguyên liệu. 

Đại diện Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La, đưa ra một số giải pháp về thu hái cà phê như:  Giảm thu hái quả non, vì quả xanh non chưa tích luỹ được đầy đủ chất khô và các tiền tố hương vị cà phê. Liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các công ty doanh nghiệp, cùng nhau làm việc từ canh tác, chăm sóc cây cà phê đến thu mua và chế biến. tập huấn, đào tạo công nhân thuê hái, đảm bảo người công nhân được thuê thực hiện đúng theo quy định trước khi vào vườn hái Cà phê. 

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 7.

Cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu). Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao Sơn La cho biết: Diện tích sản xuất của Hợp tác xã là 150 ha, trong đó có 40 ha đã cho thu hoạch, sản lượng cà phê quả tươi ước đạt trên 1.000 tấn. Hiện nay, HTX Cà phê Bích Thao Sơn La đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm Cà phê thóc, Cà phê nhân, Cà phê rang xay và Cà phê bột. Mỗi năm HTX thu mua, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu khoảng trên 2.000 - 4.000 tấn Cà phê nhân.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống bán lẻ cà phê bột mang nhãn hiệu Cà phê Bích Thao Sơn La, cung cấp ra thị trường khoảng 4 - 6 tấn/năm; Năm 2022, HTX đã ký hợp đồng đưa sản phẩm vào chuỗi cửa hàng của hệ thống siêu thị Mega Market, sản phẩm đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.Ngoài ra, HTX còn cung cấp các nông cụ phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê phục vụ cho bà con nông dân. Tổng doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 60 tỷ đồng.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao Sơn La kiểm tra chất lượng cà phê của HTX. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất trong những năm tiếp theo, HTX sẽ đẩy mạnh thực hiện một số nội dung sau: Tập trung sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm Cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Định hướng chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ; chế biến cà phê theo phương pháp Honey nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển vùng trồng Cà phê chất lượng cao; mua giống F1 từ Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Cà phê Eakmat để gieo ươm cây giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho nông dân thực hiện trồng tái canh; áp dụng quy trình chăm sóc, thu hái quả đảm bảo chất lượng; tăng cường ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất.

Nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ phụ phẩm trong quá trình chế biến cà phê như: Nước uống bằng vỏ quả Cà phê; rượu cà phê nhằm gia tăng hơn nữa giá trị của cây Cà phê. Áp dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận thị trường, theo dõi diễn biến giá Cà phê trong nước và quốc tế để chủ động giá bán đối với sản phẩm của mình. Chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong các kênh hiện có; tìm kiếm mở rộng các kênh tiêu thụ mới, hướng tới thị trường mục tiêu là hệ thống các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật và Đức.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Cà phê - Ảnh 9.

Năm 2021, sản phẩm Cà phê của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Hà Trung Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Với mục tiêu hình thành và phát triển các vùng sản xuất Cà phê tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp song song với công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.

Trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025 gồm các mục tiêu chính: Duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất Cà phê nhân đạt từ 2 - 2,5 tấn Cà phê nhân/ha. Hằng năm, dự kiến xuất khẩu 9.000 - 11.000 tấn Cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ,... Tập trung tiêu thụ các sản phẩm Cà phê tiêu dùng, Cà phê chế biến sâu tại thị trường trong nước, trong tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha, ghép cải tạo 1.350 ha. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh, với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất Cà phê đặc sản, Cà phê chất lượng cao; 3.000 ha cây Cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ; xây dựng 01 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại xã Hua La. Thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào cụm công nghiệp. Thực hiện trồng tái canh đối với vườn cà phê trong giai đoạn kinh doanh.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê - Ảnh 10.

Đồng chí Hà Trung Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La (Sơn La) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ghép cải tạo đối với vườn cà phê cây sinh trưởng bình thường nhưng cho quả ít, quả nhỏ, không đồng đều; Sử dụng các giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng; Tập trung đầu tư phát triển cà phê đặc sản tại địa bàn các xã có điều kiện đất đai, tự nhiên tốt. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu Cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững bảo đảm chất lượng. Hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận. Hướng dẫn các hộ bón phân cân đối, hợp lý, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng lượng phân bón hữu cơ và hạn chế dùng các loại hóa chất; thu hái quả Cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (chỉ thu hái quả chín, không hái quả xanh, tỷ lệ quả chín thu hái đạt trên 95%); Khuyến khích người dân sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm trong vườn Cà phê bằng cách trồng xen các loại cây lâu năm; Vận động các hộ áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển sản xuất Cà phê; Tạo điều kiện thuận lợi mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao,các cơ sở chế biến, bảo quản Cà phê; Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án; Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến công; các chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất Cà phê.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê - Ảnh 11.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê - Ảnh 12.

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê - Ảnh 13.

Những năm tới, thành phố Sơn La sẽ đẩy mạnh phát triển cà phê để năng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học mới trong phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; Xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận. 

Tăng cường hoạt động xuất khẩu Cà phê gắn với tập trung tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số; Tăng cường kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản sản phẩm; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, phân bón; Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế Cà phê gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; Hướng dẫn các cơ sở dùng chế phẩm sinh học để xử lý vỏ Cà phê sau sơ chế nhằm cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào sản xuất trong cụm công nghiệp.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh