dd/mm/yyyy

Cà phê vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi

Mùa thu sang, thời tiết vùng cao Sơn La cũng bắt đầu se se lạnh. Đây là lúc trên khắp các triền đồi cà phê chín đỏ. Một mùa cà phê nữa đã đến với người dân...


Clip: Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhộp nhịp thu hái cà phê.

Giá cà phê ở Sơn La tăng cao

Chiềng Ban hiện là một trong những xã có diện tích cà phê lớn nhất và trồng lâu năm của huyện Mai Sơn, ấn tượng với chúng tôi khi rẽ từ quốc lộ 4G vào trung tâm xã là những nương đồi cà phê sai trĩu quả đang chín đỏ. Những ngôi nhà sàn, nhà cao tầng mọc lên san sát được xây dựng kiên cố khang trang như minh chứng cho sự đổi thay từ trồng cây cà phê nơi đây.

Anh Lò Văn Chắp, bản Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban phấn khởi: Cây cà phê được bà con chúng tôi đưa vào trồng từ những năm 1994, qua nhiều năm mở rộng diện tích, đến nay, diện tích cà phê của gia đình tôi hơn 2 ha, năng suất ước đạt trên 10 tấn quả tươi/ha/năm. So với các loại cây trồng trên nương thì cây cà phê đem lại hiệu quả hơn hẳn. Nhờ trồng cây cà phê, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hẳn lên.

Cà phê vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 2.

Màu xanh bạt ngàn của cây cà phê phủ kín trên khắp triền đồi xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

“So với những năm trước đây, cà phê năm nay mới đầu vụ nhưng giá bán quả cà phê tươi khá cao, tuy nhiên sản lượng sẽ thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân năng suất thấp hơn vì do ảnh hưởng của trận mưa axit khi đang vào mùa ra hoa”. Anh Chắp, nói.

Ông Hoàng Văn Chứng, bản Thộ, xã Chiềng Ban, có hơn 2,5 ha cà phê, mỗi năm thu được từ 20 - 30 tấn quả cà phê tươi, thu về hơn 200 triệu đồng. Ông Chứng, chia sẻ: Nhận thấy nhiều hộ dân trong bản trồng cà phê cho thu nhập ổn định, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 2 ha đất nương trồng lúa, ngô sang trồng cây cà phê.

Để có kỹ thuật chăm sóc cây cà phê tôi đã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở các xã lân cận trồng trước. Đồng thời, được đi tập huấn do xã, huyện và một số công ty cà phê tổ chức, nhờ vậy diện tích cà phê của gia đình tôi luôn phát triển tốt. 

Thời điểm này, gia đình tôi đã thu được hơn 1 tấn quả cà phê tươi, với giá bán 15 nghìn đồng/kg, thu về hơn 15 triệu đồng. Dự kiến hết vụ năm nay, gia đình sẽ thu được khoảng 30 tấn quả cà phê tươi, với giá cao như hiện tại sẽ thu trên 400 triệu đồng. Nhờ trồng cà phê, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ cây cà phê.

Cà phê vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) thu hái quả cà phê. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây cà phê giúp nông dân Sơn La giảm nghèo bền vững

Từ một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhất là từ khi người dân đưa cây cà phê về trồng đã giúp bà con xã Chiềng Ban vươn lên làm giàu, giúp xã Chiềng Ban trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế của huyện Mai Sơn.

Ông Hoàng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, cho biết: Những năm qua, để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây cà phê. Xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân về lợi ích và hiệu quả từ cây cà phê ở các bản nằm trong vùng quy hoạch trồng. Đồng thời, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên xuống các bản để hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê. 

Tập trung thâm canh tăng năng suất, liên kết sản xuất gắn với đầu tư chế biến, hiện trên địa bàn xã có 2 HTX, hơn 70 xưởng sơ chế, chế biến cà phê. Ngoài ra, xã đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền đến các HTX, cơ sở chế biến cà phê đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện ký cam kết không để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Cà phê vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 4.

Giá cà phê hiện tại đang dao động từ 14 -15 nhìn đồng/kg tươi. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau hơn hàng chục năm thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cà phê, đến nay, diện tích cà phê của xã đã tăng lên 1.250 ha, hiện toàn bộ số diện tích này đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 20.000 tấn quả tươi/năm.

Cây cà phê được trồng tập trung chủ yếu ở các bản, như: Củ 1,2, Thộ, Áng Ưng… Với lợi ích đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân trồng cà phê không những xoá được đói, giảm được nghèo, mà còn vươn lên giàu, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Cà phê vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi - Ảnh 5.

Màu xanh của cây cà phê mang lại ấm no cho người dân xã Chiềng Ban. Ảnh: Mùa Xuân.

Vì vậy, đã giúp thay đổi nhận thức của người dân, mạnh dạn vay vốn, đầu tư công lao động, học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi đất từ cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp để phát triển cà phê trở thành hàng hóa. Từ đó, cây cà phê đã giải quyết công ăn việc làm cho lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã.

Mùa Xuân