dd/mm/yyyy

Quản lý, bảo vệ rừng ở Kon Tum: Rừng tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo

Không chỉ tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) còn đem lại nguồn thu nhập, tạo thêm sinh kế cho người dân quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum.

Người dân có thêm sinh kế từ rừng

Từ việc nhận quản lý, bảo vệ 1.638,32ha rừng, những năm gần đây người dân xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể để đầu tư sản xuất.

Anh A Hiểu (thôn 11, xã Đăk Ruồng) nhận quản lý bảo vệ 24ha rừng, mỗi năm được chi trả từ 10- 20 triệu đồng. Gia đình anh Hiểu đã dùng số tiền này đầu tư trồng, chăm sóc 5ha sắn, trồng xen canh các loại cây ăn quả khác như nhãn, sầu riêng, mít, bơ… trên diện tích sắn. Từ đó, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.

Còn ông A Xek (trú tại thôn 11, xã Đăk Ruồng) cho biết: "Tôi đã lớn tuổi và không có vợ con, sống cùng gia đình em trai mình là A Thông. Gia đình chúng tôi được nhà nước giao đất giao rừng để bảo vệ với diện tích là 29,5ha. Đều đặn mỗi tháng 1 lần, hai anh em tôi vào khu vực rừng được giao để kiểm tra, nếu thấy rừng có dấu hiệu bị xâm hại thì báo cáo chính quyền để xử lý. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm mùa khô, tôi lại vào rừng nhiều hơn để tham gia phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, thường xuyên canh chừng… nhằm đề phòng cháy rừng".

Quản lý, bảo vệ rừng ở Kon Tum: Rừng tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng ổn định hàng năm, anh A Hiểu đã đầu tư, chăm sóc diện tích sắn của gia đình. Ảnh: H.L

"Nhận thức được lợi ích mà tiền DVMTR mang lại, người dân đã tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… Từ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, diện tích rừng không ngừng phát triển".

Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum

Nhờ bảo vệ tốt khu vực rừng được giao, gia đình ông A Xek có thu nhập ổn định, như năm 2021 nhận được 22,3 triệu đồng tiền DVMTR. Từ số tiền này, cùng với tiền tiết kiệm được và vay ngân hàng, gia đình ông đã trồng 10ha sắn, 3ha cao su… 

Với diện tích canh tác lớn nhất nhì trong làng, thu nhập của gia đình ông A Xek là mơ ước của không ít người. Nhờ đó ông mua sắm được các vật dụng, tiện nghi phục vụ sinh hoạt và sửa sang nhà cửa.

Ông A Tơi - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 11 (xã Đăk Ruồng) cho biết, từ tiền DVMTR, các hộ dân trong thôn đã có nguồn thu nhập ổn định để vừa trang trải cuộc sống gia đình, vừa dành dụm, tích góp để đầu tư phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Cũng theo ông Tơi, các hộ dân đều nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo vệ rừng và chủ động bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Đồng thời, khi người dân phát triển kinh tế ổn định thì sẽ họ sẽ tập trung hơn vào việc quản lý, bảo vệ rừng, không chặt phá rừng bừa bãi nữa.

Bảo vệ rừng là làm dịch vụ

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, năm 2021 toàn xã có 1.638,32ha rừng cung ứng DVMTR. Trong đó, có 53 chủ rừng là hộ gia đình quản lý, bảo vệ 1.285,56ha; 4 cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ 352,76ha rừng do UBND xã trực tiếp quản lý. Các hộ dân tham gia được hưởng lợi tương đối nhiều, nhất là khi các công trình thủy điện trên địa bàn đi vào hoạt động và chi trả tiền DVMTR.

Theo bà Lan, cả 53 hộ kể trên trước đây đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Thế nhưng, nhờ vào nguồn thu nhập ổn định từ tiền DVMTR hằng năm, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là 48/53 hộ trên đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR; năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền chính sách kết hợp với tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. 

Không chỉ ở xã Đăk Ruồng, mà ở rất nhiều xã khác trong tỉnh, bà con cũng biết sử dụng đồng tiền DVMTR để trồng các loại cây công nghiệp, chăn nuôi… nhằm phát triển sinh kế, nâng cao đời sống gia đình. Điển hình như xã Đăk Pxi của huyện Đăk Hà, xã Đăk Man của huyện Đăk Glei hay tại huyện Kon Rẫy, bà con đã phát triển các mô hình nuôi heo sọc dưa, bò, dê, trồng cà phê, mít Thái, na Thái… từ tiền DVMTR.

"Nhận thức được lợi ích mà tiền DVMTR mang lại, người dân đã tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… Từ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, diện tích rừng không ngừng phát triển. Việc gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện công khai, minh bạch đã tạo động lực cho người dân bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình, bởi vì bảo vệ rừng là làm dịch vụ, bảo vệ rừng tốt thì sẽ được nhận tiền dịch vụ nhiều. Qua đó, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum" - ông Hoàng cho biết thêm. 



Hoàng Lộc