dd/mm/yyyy

Tây Bắc xuân này trái ngọt thêm hương

Năm 2018, diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt 57.439ha; sản lượng quả tươi đạt 218.193 tấn, tăng 51% so với năm 2017. Đó là một kết quả rất lớn, minh chứng cho bước chuyển mình đúng hướng, sự đồng thuận, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La trong phát triển hàng hóa nông sản. Nhưng kỳ tích trong phát triển cây ăn quả ở Sơn La nằm ở những con số khác…

Biến đất cằn thành vườn trái ngọt

Sơn La là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích đất dốc đưa vào sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Nhiều năm qua, không ít người vẫn lưu truyền câu nói: Nếu đi du lịch Sơn La thì phải chọn thời điểm mùa xuân, hè bởi khi ấy cảnh sắc rất tươi. Nếu đến vào những ngày thu, đông thì khung cảnh của Sơn La buồn hiu hắt bởi sắc màu úa vàng của cỏ, cây. Mùa thu, đông cũng là lúc cái đói, cái nghèo đè nặng lên tấm lòng hiếu khách của những chủ nhân vùng Tây Bắc.

Niềm vui mùa cam bội thu của nông dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên – Sơn La.
Niềm vui mùa cam bội thu của nông dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên – Sơn La.

Lão nông Lò Văn Hặc ở xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu thì chỉ vào gốc ban bên đường, bảo: Bây giờ nhìn cái hoa ban mới thấy đẹp thôi. Ngày trước, dân chúng tôi cứ năm nào ăn tết nguyên đán mà thấy cành ban khẳng khiu đâm ra nhiều nụ là lo lắm. Ban ra nhiều nụ là năm ấy thời tiết giá lạnh kéo dài, khó làm ăn. Ban lại nở hoa vào đúng lúc tháng 3, khi người dân đói nhất. Tháng 3 là lúc hạt giống trên gác bếp chưa gieo mà hạt ngô, hạt thóc trong nhà thì cạn kiệt. Dân vùng đất dốc như chúng tôi, trước đây chỉ biết trông chờ vào trời mưa để gieo giống lúa, giống ngô. Mà mỗi năm chỉ có 1 vụ nên dân vùng đất dốc đồng nghĩa với dân vùng đói, nghèo…

Nhưng hôm nay, đến với những dải đồi đất dốc ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn la: Tân Lang, Mường Bang, Mường Thải, Mường Cơi của huyện Phù Yên; Ngọc Chiến, Mường Trùm, Ít Ong của huyện Thuận Châu; hoặc các xã: Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Phiêng Khoài của huyện Yên Châu… mới thấy những triền đất dốc xưa nay đang hiển hiển hiện những sắc màu no ấm. Chỉ vào vườn cam trĩu quả quanh nhà, anh Đinh Văn Quyết ở xã Mường Thải, cho biết: Cũng cái sườn đồi này, trước đây trồng ngô, năm nào được giá thì tôi lãi khoảng 7-10 đồng. Hết vụ ngô là ngồi nhìn cỏ mọc hoang chứ không trồng được cây gì vì không có nước. Năm 2013, thực hiện chủ trương đưa cây có múi vào sản xuất trên đất dốc của tỉnh, của huyện, tôi mạnh dạn đưa hơn trăm gốc cam vào trồng. Đã 3 năm nay, cái sườn đồi này cho tôi thu nhập gấp 10 lần trồng ngô những năm được mùa, được giá đấy.

Lại nhớ, tròn 20 năm trước, khi đặt chân đến xã Huổi Một, huyện Sông Mã để viết về Anh hùng Lao động Quàng Văn Một – lão nông người dân tộc thiểu số, khi ấy là người có diện tích cây nhãn trồng trên đất dốc lớn nhất vùng này. Trong buổi đón tiếp tôi như thượng khách, ông Một đã bảo vợ lôi cái ống nứa trên gác bếp, lấy ra 1 nhúm sâu chit đã phơi khô, rang lên để cùng nhau nhấm nháp, tâm sự. Lần đầu tiên trong đời ăn sâu chít, tôi thấy sợ nhưng vẫn phải nhấm nháp để nghe câu chuyện về sự tiên phong trong phong trào trồng cây ăn quả của ông. Cuối buổi tâm sự, ông Một thật thà bảo: Tôi trồng nhiều ha nhãn nhưng hiệu quả thì chưa cao đâu. Năm nào được mùa thì vừa bán, vừa cho cũng không hết… Chính lời tâm sự chân thành ấy làm tôi trăn trở mãi khi viết về hiệu quả kinh tế trang trại của ông.

Nhưng hôm nay, cũng trên dải đất Sông Mã này, hàng ngàn ha nhãn kéo dài mấy chục km đồi đất, từ xã Mường Sai (đầu huyện Sông Mã) vào tới thị trấn rồi leo lên tận Mường Lầm, Nậm Ty… với một hiệu quả kinh tế chưa bao giờ có. Ông Lèo Văn Pó, ở bản Phiêng Ca, xã Chiềng Khoong, bảo: Tôi chỉ có chưa đầy 1 ha nhãn trồng trên đất cắn nhưng nhờ thực hiện sản xuất đúng qui trình cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên 2 năm nay, thu nhập mỗi năm tới hơn trăm triệu đồng. Nhãn nhà tôi được thu mua để xuất khẩu ra ngoài tỉnh và sang cả Trung Quốc…

Đưa nông sản ra thế giới

Không chỉ quan tâm phát triển số lượng, chất lượng để nâng cao sản lượng hoa quả mà quá trình phát triển nông sản hàng hóa ở Sơn La đã hình thành một chuỗi sản xuất - chế biến – tiêu thụ khép kín rất hiệu quả. Chính chuỗi khép kín này đã làm nên kỳ tích cho Sơn La. Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Trong năm 2018, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 115 triệu USD, tăng 63,5% so với năm 2017. Đồng thời, tỉnh cũng xuất khẩu được 17.500 tấn quả các loại; tăng 14,76 lần so với năm 2017. Trái cây của Sơn La được xuất khẩu sang thị trường 12 nước, gồm cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ…

Nông dân huyện Mai Sơn – Sơn la thực hiện trồng xoài VietGAP tham gia xuất khẩu.
Nông dân huyện Mai Sơn – Sơn la thực hiện trồng xoài VietGAP tham gia xuất khẩu.

Chủ tịch UBND huyện Mường La – ông Nguyễn Đức Thành, tâm sự: Với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản trong chiến lược xuất khẩu nông sản, nhiều tiềm năng của Sơn La đã được đánh thức và vực dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Mường La chúng tôi vốn là huyện nghèo, lại mới bị mưa lũ tàn phá dữ dội nhưng sang năm 2018, chúng tôi đã có nhiều nông sản tiên phong xuất khẩu như: Xoài, nhãn, cá nuôi trên lòng hồ sông Đà… Việc đưa nông sản ra với thế giới đã giúp cho nông nghiệp Sơn La có thêm niềm tin, sức bật để phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Còn với những nông dân như ông Hà Văn Dương ở bản Vắng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu thì bảo: “Đến hôm nay tôi vẫn thấy xúc động khi nhớ về lần đầu tiên hái trái xoài nhà mình trồng được để đưa đi chiếu xạ, làm hàng xuất khẩu. Lúc ấy tôi vẫn thấy lo lo: Những trái cây ở vườn nhà mình, do tay mình trồng và chăm sóc có thể đến được với những người khách nước ngoài khó tính không ? Cái cảm giác hồi hộp ấy đã làm tôi chảy nước mắt khi nghe tin xoài Yên Châu được thị trường nhiều nước chấp nhận. 2 năm vừa qua, tôi đã đóng góp nhiều tấn xoài trong lô hàng xuất khẩu của tỉnh, của huyện. Mùa xuân này, tôi đang chuẩn bị cho những trái xoài xuất khẩu năm thứ 3 của gia đình với số lượng cao hơn gấp 2 lần năm 2018 và chắc chắn là thu nhập của tôi cũng cao hơn!

Ghi chép của Kiều Minh Ngọc