dd/mm/yyyy

Quốc hội thông qua EVFTA: Nông sản Việt mừng gì, lo gì?

TS. Phạm Quý Thọ đưa ra những ý kiến về thuận lợi và thách thức với nông nghiệp Việt Nam sau khi thông qua EVFTA và EVIPA.


Quốc hội thông qua EVFTA: Nông sản Việt mừng gì, lo gì? - Ảnh 1.

TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Phúc.

Sáng 8/6, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là điều không bất ngờ vì 2 bên đã có những thỏa thuận từ trước và Chính phủ Việt Nam chủ động trong quá trình đàm phán và chuẩn bị ký kết.

Theo ông Thọ, đây là thông tin rất mừng cho cộng đồng kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Các hiệp định này sẽ mở ra một thị trường tiềm năng với tổng dân số lên tới gần 500 triệu người.

Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống của Việt Nam ở Đông Âu và Tây Âu trước đây chưa được hưởng chính sách ưu đãi sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

"Như vậy, các sản phẩm của Việt Nam ngoài dệt may, da giày thì nông sản nhiệt đới, ngoài hoa quả còn có các loại rau củ sẽ tìm được chỗ đứng trong thị trường EU", ông Phạm Quý Thọ cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng nêu ra một số lo ngại đối với lĩnh vực nông nghiệp có thể phải đối mặt sau khi EVFTA và EVIPA được thông qua.

Thứ nhất là vấn đề quản lý nhà nước, các bộ, ngành liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hải quan phải hợp tác với nhau, tạo hành lang pháp lý thật thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản.

Thứ hai, các doanh nghiệp của Việt Nam với quy mô chưa lớn phải dựa vào các hiệp hội ngành hàng để tìm kiếm thị trường và có được tư vấn chính xác.

Bên cạnh đó, khi tham gia thị trường EU, chất lượng nông sản cũng là một thách thức không nhỏ. Đây được cho là thị trường khó tính, nên các loại nông sản cũng cần nâng cao chất lượng mới có thể đáp ứng được.

"Hiện nay, có thể nói vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiệu ứng của EVFTA và EVIPA là chưa rõ ràng, chưa sôi động. Nhưng trong tương lai, đây là 2 hiệp định sẽ đem lại nhiều tiềm năng", TS Phạm Quý Thọ nhận định thêm.

Ngoài ra, ông Thọ cũng lưu ý, tham gia sân chơi này, chúng ta cũng phải đáp ứng được các vấn đề liên quan đến người lao động, môi trường...

Sau khi ký kết, các đơn vị quản lý nhà nước phải đặt ra được chương trình cụ thể để phổ biến nội dung các hiệp định này cho cộng đồng doanh nghiệp.

"Hiện nay, vẫn có tới gần 70% doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa hiểu về các hiệp định này, điều đó là không tốt", ông Thọ cho biết.

Quốc hội thông qua EVFTA: Nông sản Việt mừng gì, lo gì? - Ảnh 2.

Nông sản Việt sẽ gặp nhiều thuận lợi nhưng dự báo cũng gặp không ít thách thức khi Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở chiều ngược lại, có thể nói các hiệp định này được xây dựng theo hướng 2 bên cùng có lợi. Theo đó, sau khi EVFTA và EVIPA được ký kết, các mặt hàng thế mạnh của EU như cơ khí, máy móc sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn, gây ra thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước phải sẵn sàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Về nông sản nói riêng, các mặt hàng hoa quả, rau củ của EU có thể nhập vào Việt Nam lại là của khí hậu ôn đới và hàn đới, mang tính bổ trợ cho hoa quả trong nước.

TS Phạm Quý Thọ cho rằng: "Bên cạnh đó, các mặt hàng như thịt, bơ, sữa... đặc thù của châu Âu cũng có cơ hội khi nhập vào Việt Nam khi mà nhu cầu của chúng ta đối với mặt hàng này ngày càng tăng. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chuẩn bị để đón được làn sóng này".

Nhận xét tổng quát, ông Thọ cho rằng Việt Nam có thể sẽ nhỉnh hơn EU trong cán cân thương mại sau khi EVFTA và EVIPA được triển khai.

Ngoài xuất nhập khẩu và sản phẩm cụ thể, chuyên gia kinh tế này còn cho rằng, làn sóng đầu tư của EU cũng sẽ tìm đến thị trường Việt Nam trong tương lai. Chưa kể đến, hàng loạt dịch vụ liên quan đến tài chính cũng sẽ được kéo theo khi các nhà đầu tư lựa chọn thị trường Việt Nam.

"Có thể nói, đây không phải là 2 hiệp định quá dễ dàng cho Việt Nam nhưng sẽ thúc đẩy chúng ta không chỉ nâng cao về số lượng mà còn đẩy mạnh chất lượng trong xuất nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, chiếm đến 70% dân số trong thời gian tới", ông Thọ nhấn mạnh.

Theo ông, điều cần làm hiện nay là bắt tay vào thực hiện thật tốt, tận dụng được cơ hội từ EVFTA và EVIPA mang tới.

Tùng Đinh