dd/mm/yyyy

Nhớ những mùa chôm chôm… nồng thắm

Một lần lạc bước miệt vườn xứ Vĩnh Long, nhạc sĩ Giao Tiên đã cho ra đời tình khúc nổi tiếng: “Tình đẹp mùa chôm chôm”. Ca từ dung dị nhưng tấm lòng của những con người miệt vườn thì cứ đong đầy trong từng câu hát.

Từ lời ca...

Bài hát Tình đẹp mùa chôm chôm nói riêng và nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác của Giao Tiên nói chung, đã sống với nhiều thế hệ người nghe, từ người bình dân đến trí thức, dưới nông thôn trên thành thị, từ phòng karaoke ra những sân khấu... Có lẽ vì nhạc của Giao Tiên mộc mạc, gần gũi, thể hiện tâm lý tình cảm của đại bộ phận người dân. “Tôi nghĩ sao viết vậy, chân thật, không bóng bẩy, giai điệu dễ hát, ca từ dễ nhớ, nhờ vậy mà đi vào lòng người chăng”, như cách nhạc sĩ từng chia sẻ.

Chôm chôm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Chôm chôm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

“Năm ấy ở Sài Gòn, tôi có người bạn học, nghỉ hè nên rủ về Vĩnh Long chơi. Xe vừa dừng, tôi bước xuống thì gặp cô gái bán chôm chôm duyên dáng mời mua. Người bạn tôi xuống sau, nói chuyện với cô gái ấy như người nhà. Sau tôi mới được giới thiệu, hóa ra cô nàng ấy là em gái người bạn. Lưu lại chơi ở nhà người bạn vài ngày, nhưng tôi có cảm giác như quen biết và thân thiết với người con gái ấy từ lâu lắm”, Giao Tiên nhớ lại. Có lẽ vì vậy, lời ca cứ cất lên một cách tự nhiên, chân tình và mộc mạc.

Bản tình ca bolero của Giao Tiên chân thực và đẹp, chạm vào lòng người nhờ chính những điều giản dị. Quê hương của “văn minh miệt vườn” Vĩnh Long hiện rõ qua từng câu hát: “…Đưa em sang sông/ vào vườn chôm chôm hái trái, bằng xuồng ghe máy đuôi tôm/ Vườn sai trái ngọt/ Tình mình vẫn thật đậm đà…”.

Đó là trong lời hát, còn trong đời sống hàng ngày, chôm chôm cũng mang lại nhiều trái ngọt cho người dân Vĩnh Long. Từ xưa người ta đã thường bảo nhau: Ai xuôi sông Tiền- qua dòng sông Cổ Chiên mà chưa được nếm chôm chôm Bình Hòa Phước thì coi như chưa tới miền Tây Nam Bộ.

Xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) có khoảng 90% diện tích chôm chôm Java, còn lại là chôm chôm Thái và chôm chôm đường. Tại đây nông dân trồng hàng trăm ha, và hầu như vườn nhà ai cũng có. Trung bình mỗi hecta chôm chôm cho năng suất từ 30 – 35 tấn trái. Nhờ kinh nghiệm trồng chôm chôm, áp dụng kỹ thuật trồng trọt và qui trình GlobalGAP nên năng suất vườn chôm chôm hiện nay tăng lên. Mùa thu hoạch chôm chôm vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Tuy nhiên bà con nông dân cũng trồng chôm chôm rải vụ cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3 trong năm (gọi vụ nghịch trùng mùa Tết bán có giá cao).

Không những tại xã Bình Hòa Phước mà 3 xã khác: Đồng Phú, Hòa Ninh, An Bình đều có chôm chôm nghịch vụ, do nông dân chăm sóc kỹ. Chôm chôm nghịch vụ ở Cù Lao Minh là một yếu tố rất thuận lợi để trái chôm chôm mở rộng thị trường tiêu thụ và cải thiện giá bán vì doanh nghiệp và bà con nông dân đã chủ động kiểm soát được sản lượng và chất lượng sản phẩm tại nhà vườn của bất cứ nông dân nào tại đây.

Vào đời sống

Do sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên quy trình trồng chôm chôm tại Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Hòa Ninh, An Bình được thực hiện khép kín từ khâu tổ chức sản xuất đến nhà đóng gói. Trong đó yếu tố cốt lõi là phải đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu thụ và môi trường. Đồng thời phải có cơ sở để chứng thực truy nguyên nguồn gốc khi cần thiết… Tuy quy định sản xuất khá khắt khe nhưng những diện tích chôm chôm đã được chứng nhận GlobalGAP mang lại cho bà con nông dân tại 4 xã Cù lao Minh hiệu quả rất cao.

Những mùa chôm chôm đã nên thơ nên họa.
Những mùa chôm chôm đã nên thơ nên họa.

Đặc biệt, tháng 4.2018, một cơ hội đến với những người trồng chôm chôm Vĩnh Long khi New Zealand đã chấp nhận cho chôm chôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, sau 2 loại trái cây vú sữa và sầu riêng. Bà con nông dân cù lao đang có hàng năm trên hàng trăm ngàn tấn, khi đó nguồn lợi cho nông dân Vĩnh Long sẽ vươn xa…

Không chỉ hướng đến xuất khẩu, những vườn chôm chôm chín đỏ còn tạo ra lợi thế du lịch. Nằm cách trung tâm Sài Gòn 130 km, chỉ mất hơn 3 giờ chạy xe là bạn có thể đến được Vĩnh Long. Tới nơi, bạn có thể lên xuồng hoặc đò máy xuôi theo dòng sông Tiền để đến những miệt vườn nằm ven sông.

Tạm gác ồn ào tấp nập của chốn phồn hoa đô thị, tìm về miệt vườn những ngày này du khách sẽ được nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng, vừa thư thái vừa thưởng thức “mệt nghỉ” chôm chôm – đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Long. Hầu như tất cả hộ dân có đất vườn đều trồng loại cây ăn trái đặc trưng nhiệt đới này. Thiên nhiên và điều kiện thổ nhưỡng ở Vĩnh Long thuận lợi cho chôm chôm phát triển nên cho ra đời những chùm quả có vị ngọt đậm đà, róc hạt.

Cứ vào tháng 7, lúc miệt vườn bắt đầu vào vụ chôm chôm chín rộ, nhiều du khách tới tham quan và thoải mái vào tận vườn trải nghiệm cảm giác thu hoạch cùng bà con. Nhấm nháp trái chôm chôm ngọt mát, lắng nghe tiếng gió xào xạc lay động lá cành, thoảng nghe bản nhạc bolero ngọt ngào trong gió, chắc hẳn đó sẽ là một cảm giác vô cùng thú vị.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên