dd/mm/yyyy

Dừa Bến Tre, từ thi ca vào đời sống

Hình ảnh chị Ba Định và “đội quân tóc dài” đã làm cho bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chiếm được cảm tình của khán giả. Nhưng sau những lời ca giản dị còn là một nền văn hóa dừa được hình thành qua nhiều thế hệ…

Dừa trong đời sống

Bài hát ra đời sau một lần nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xuống Bến Tre (năm 1980). Câu chuyện về những con người đất Đồng Khởi, về nữ tướng Nguyễn Thị Định, về sức sống mãnh liệt của những rặng dừa qua mưa bom bão đạn đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ viết lên những giai điệu đẹp, đậm chất dân ca Nam Bộ: “Ôi những con người làm nên Đồng Khởi/Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê/ Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre…”.

Phát triển du lịch từ những rặng dừa. tư liệu
Phát triển du lịch từ những rặng dừa. tư liệu

Có lẽ ở Việt Nam, chẳng có xứ sở nào lại có địa lý độc đáo như Bến Tre nằm gọn trên ba cù lao lớn là An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Trong chín cửa sông Cửu Long thì Bến Tre đã có tới bốn của là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên.

Vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Bến Tre có lẽ rất lý tưởng cho cây dừa phát triển nên Bến Tre được mệnh danh là thiên đường của dừa quả không sai. Theo thống kê, Bến Tre hiện có 71.000ha trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa cả nước, sản lượng bình quân 600 triệu trái.

Có thể thấy, cây dừa có mặt trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân Bến Tre. Cây cầu dừa mộc mạc bắt nhịp đôi bờ, kết nối tình xóm giềng, se duyên cho đôi lứa. Rồi từ mái lá dừa, gáo dừa múc nước đơn sơ, dừa đi vào thơ ca, dừa lập nên chiến tích oai hùng của một thời chiến tranh khói lửa giữ nước. Cây dừa ẩn hiện dáng vóc của người Bến Tre, lúc hiền hòa, lãng mạn, lúc rắn rỏi hiên ngang. Nói chung cây dừa rất hiền hòa, rất gần gũi với người dân địa phương. Ta thường nghe bài hát “Dáng đứng Bến Tre” thì đó là dáng đứng cây dừa. Dáng cây dừa thể hiện truyền thống, bản chất của người dân xứ dừa, rất là hiền hòa, rất là thân thiện, mến khách”.

Những rặng dừa bát ngát trên quê hương Đồng Khởi. tư liệu
Những rặng dừa bát ngát trên quê hương Đồng Khởi. tư liệu

Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre có sự phát triển khá nhanh với những sản phẩm đa dạng, tiêu thụ khoảng 85% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn. Về Bến Tre thấy dừa và các sản phẩm từ dừa hiện diện khắp các làng quê.

Cây dừa được người Bến Tre sử dụng hữu ích. Từ rễ dừa, cây dừa, gáo dừa, củ hủ dừa, xơ dừa, lá dừa…cho đến đuông dừa, chuột dừa cũng có giá trị xuất khẩu và ẩm thực. Những sản phẩm dừa tại Bến Tre có mặt tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng năm đem về cho tỉnh 200 triệu USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Nền văn hóa dừa giàu bản sắc

Bên cạnh đó, có một nền văn hóa dừa đã được hình thành còn lâu hơn nữa, có sức truyền bá rộng khắp lục tỉnh và đi sâu vào đời sống dân sinh. Đó chính là kho tàng ca dao và dòng đờn ca tài tử được định hình hàng trăm năm qua.

Đây chính là sản phẩm của đời sống, sinh hoạt miền sông nước, với hàng ngàn kênh rạch, tạo nên vùng đất: “Bến Tre nước ngọt lắm dừa/ Ruộng vườn mầu mỡ biển thừa cá tôm/ Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn/ Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày/ Xoài chua, cam ngọt Ba Lai…”.

Du lịch chợ nổi và miệt vườn của Bến Tre, ngoài những món ăn như kẹo dừa, bánh dừa, mứt dừa… du khách còn được hưởng thụ các chương trình ca hát miễn phí. Bởi đó được coi là “đặc sản” tinh thần của Bến Tre. Không ai không nhớ đến câu ca dao: “Bến Tre gái đẹp thật thà/ Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên”.

Hay điệu lý ngắn gọn như: “Con gái Bến Tre tóc mây da trắng. Mắt nhung đen má phấn môi son. Dáng đi yêu điệu ru hồn. Em đi khuất bóng mà anh còn trồng cây si…”.

Vật dụng được làm từ dừa. tư liệu
Vật dụng được làm từ dừa. tư liệu



Bắt đầu từ năm 2009, sáng kiến Lễ hội dừa được tổ chức tại Bến Tre, có quy mô lớn, tạo nên sự giao thoa khắp các tỉnh miền Nam. Từ đó cứ hai năm một lần, Lễ hội dừa được diễn ra với sự góp mặt của hàng chục tỉnh trên toàn quốc. Đặc biệt có năm, nhiều gian hàng dừa của các nước thành viên châu Á - Thái Bình Dương cũng tham gia với nhiều hạng mục hết sức sinh động.

Năm 2019, UBND tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V với chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững”. Lễ hội Dừa Bến Tre 2019 được tổ chức nhằm mục đích tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế. Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre và Việt Nam.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước, trong thời gian diễn ra lễ hội, có các hoạt động đặc sắc được tổ chức như: lễ khai mạc, bế mạc lễ hội; liên hoan ẩm thực dừa Nam Bộ; triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại; tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa; hội thảo “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”; “Về chuỗi giá trị cây dừa”; “Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre”.

Điểm nhấn của lễ hội là Chương trình Tuần lễ Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, với các nội dung đa dạng, phong phú như: Tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nghệ thuật đường phố; biểu diễn trang phục dừa… (trong Phố đi bộ vui hội xứ Dừa); tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan; tổ chức các trò chơi vận động (dân gian, truyền thống) cho học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân trồng dừa tham gia. Theo đề án vừa được phê duyệt, Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V năm 2019 sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 14 đến 18-11-2019), tại TP. Bến Tre.

Đi vào cuộc sống người dân Bến Tre như một mạch nguồn không bao giờ vơi cạn, dừa không đơn giản là loại cây chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là chứng nhân lịch sử, là hồn cốt văn hóa của xứ sở này.

Bài, ảnh: Khánh Nguyên