Rắn nước là loài rắn đặc trưng của miền Tây quê tôi vào mùa nước nổi. Những ngày lũ về, dân quê tôi rạo rực đón lũ với biết bao nghề “ăn theo” nảy sinh từ những con nước lớn. Nhớ lắm hình ảnh người dân quê đi thả lưới, những chiếc xuồng nhỏ bơi dọc mé sông tìm kiếm bông điên điển để cải thiện bữa ăn. Đâu đó có vài bác nông dân vác gậy ra mé sông tìm rắn nước để bắt về làm món.
Miền Tây sông nước có nhiều cây cối rậm rạp chưa được khai hoang, rắn nước thường chọn những nơi hoang sơ để trú ẩn. Mùa nước nổi về, chúng lại tranh thủ lội trên mặt nước để tìm con mồi.
So với các loại rắn mà mùa nước nổi miền Tây đã sản sinh, rắn nước là loại lành tính không có nọc độc gây nguy hiểm cho người. Người bắt rắn có nghề thường biết được nơi mà rắn ẩn nấp hoặc có thể đi cặp mé sông tìm rắn. Khi phát hiện rắn lội trên mặt nước, người dân đón rắn ở bờ rồi dùng gậy đập chết rắn. Đối với những thợ săn rắn, họ có thể dùng tay chụp đầu rắn rồi bắt sống bỏ vào giỏ. Loại rắn này lội trên mặt nước dọc theo các con rạch thường có màu đen, dưới bụng màu trắng hoặc vàng và không lớn lắm. Khi bắt được rắn, không cần phải lột da, chỉ cạo sạch lớp da trơn ở ngoài rồi rút ruột chứ không mổ phanh dễ làm mềm thịt và mất đi mùi vị đặc trưng của loại rắn này.
Rắn nước có thể chế tạo thành nhiều món và tất cả các món ăn được chế biến từ loài rắn này từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân vùng rốn lũ miền Tây. Cách nhanh nhất là sau khi làm sạch rắn quấn dọc theo cây mía, cắm xuống đất rồi đốt lửa lên. Sau khi rắn toát ra mùi thơm là có thể dùng ngay phù hợp với tiêu chí “nhanh, gọn, lẹ” của người dân miệt vườn. Món rắn nước có thể dùng ngay tại chỗ và hấp dẫn hơn khi được nhâm nhi cùng với rượu đế miền quê.
Đối với người sành ăn, rắn nước có thể mang đi hầm sả để ăn với cơm hoặc bún. So với món rắn nước, cách chế biến món này tương đối cầu kỳ nhưng lại là món ăn độc đáo về mùi vị cũng như đẹp mắt về cách trình bày. Rắn nước làm sạch, cắt thành từng khúc nhỏ tầm 2 đốt ngón tay, cho rắn vào cái xoong, đổ nước dừa tươi, nêm ít sả đập dập cắt khúc, đun sôi luộc rắn cho bán mùi rồi vớt ra để ráo. Kế đến, bắc một nồi nước dừa khác nêm nếm gia vị rồi cho thịt rắn đã luộc vào nồi lẩu để ăn kèm với rau sống. Bí quyết để tạo nên món rắn hầm sả ngon chính là cách để làm bán mùi rắn nếu không sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của loại rắn này.
Trước đây, quê tôi nổi tiếng với nghề làm khô rắn. Sau khi bắt được đem lột da, lấy nội tạng, lóc thịt, dùng tay bóp phần thịt cho ra hết máu, sau đó nêm gia vị như muối, đường, bột ngọt, tỏi, ớt, tiêu vừa phải, cuối cùng là bện thành từng thớ đem phơi. Một điều quan trọng là khô rắn phải phơi ngay khi làm và phơi cho “thẳng” nắng từ sáng tới chiều. Nếu trời u ám thì không làm, vì nếu khô rắn phơi không đủ nắng hay gián đoạn sẽ bị chua. Khô rắn làm đơn giản, ăn cũng đơn giản như nướng hoặc chiên chấm mắm me. Cầu kỳ hơn thì nướng, trộn với xoài hoặc gỏi lá sầu đâu.
Có thể nói, rắn nước là loại dễ chế biến và là một món ăn luôn làm hài lòng đối với thực khách gần xa. Mấy năm gần đây, lượng khách du lịch miền Tây ngày càng nhiều, người dân quê tôi thường đi bắt rắn nước mùa lũ để cung cấp cho các nhà hàng, cải thiện cuộc sống. Và thế là rắn nước đi vào nhà hàng sag trọng.
Dù đây là món độc lạ khiến người dân quê tự hào nhưng thời nay không phải muốn tìm thấy rắn nước cũng dễ. Với đà "lạ miệng" phận rắn cũng sẽ không còn chốn dung thân. Đến một ngày, đặc sản chỉ còn trên mặt báo.