Chặn khe, đưa nước lên non ở cao nguyên Si Pa Phìn
Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Nậm Pồ thì việc đưa nước lên những quả đồi ở cao nguyên Si Pa Phìn để tưới cho hơn 30ha rau này quả thật không phải vấn đề nhỏ. Vì khe suối ở đây chỉ đủ lượng nước tưới cho 6 tháng mùa mưa, còn 6 tháng mùa khô phải bơm nước từ dưới suối lên. Đây thực sự là thách thức đối với Hợp tác xã. "Tôi đã ra thành phố, thuê người vào khảo sát để đưa nước lên đỉnh đồi. Trên đấy chúng tôi xây dựng các bể nước để phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích. Nói thì dễ, nhưng khi triển khai rất khó. Độ dốc lớn khiến công việc càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với quyết tâm biến sỏi đá thành cơm, tất cả những thành viên hợp tác xã đều nỗ lực hết mình", ông Chiến cho biết thêm.
Những ngày đầu năm 2023, Hợp tác xã bắt đầu triển khai cải tạo đất. Việc đầu tiên là phải làm sạch, làm giàu cho đất. Máy móc cỡ lớn được đưa vào cày xới, bồi thêm những lớp phù sa trên nền sỏi đá cũ. Hệ thống đường lát gạch được xây dựng lên từng đỉnh đồi. Nhìn từ trên cao, những con đường như hàng chục mảnh lụa mỏng phẳng lì vắt quanh khu đất rộng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bùi Văn Ần, người có mặt từ những ngày đầu thực hiện dự án cho biết: Cao nguyên khô hạn, đất để hoang đã lâu cho nên đồng thời giải quyết vấn đề nước tưới, cải tạo đất là việc vô cùng khó khăn, tốn kém. Để có nước tưới cho vườn trong mùa khô, tôi đã phải đào ao trên đồi tích nước theo nguồn dẫn từ khe suối Nậm Chim về. Phân bón cho đất thì phải đặt mua gom phân chuồng, vậy mà cũng mất hai lần mua phải phân giả với khối lượng vài trăm tấn… Nhưng rồi, mọi việc cũng được tháo gỡ dần, đến nay việc sản xuất đi vào vận hành thuận lợi.
Chỉ tay ra một khoảng đồi toàn cỏ dại phía xa xa, anh Ần kể lại: Trước đây, người dân tại Si Pa Phìn đã bỏ hoang mảnh đất này trong nhiều năm do không có nguồn nước canh tác. Khắp các triền dốc chỉ có cỏ tranh lô xô đuổi nhau theo gió. Thi thoảng có năm người Mông lại đến làm một vài vụ lúa nương, còn lại là bỏ hoang làm bãi chăn thả cho trâu bò.
Mô hình làm thay đổi nhận thức người dân ở cao nguyên Si Pa Phìn
Cùng chúng tôi đi một vòng qua các triền đồi có diện tích hơn 30ha được quy hoạch theo từng thửa trồng rau, trồng củ, quả theo mùa với các khu nhà kính, nhà màng riêng biệt, ông Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn và các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã đương nhiệm không giấu nổi niềm vui mỗi khi dừng bước ngắm giàn bí, vườn chanh xanh ngăn ngắt, quả trĩu cành. Đưa tay chỉ về quả đồi trước mắt, ông Lò Văn Chơi khẽ nói: Toàn bộ khu này trước đều là đất sản xuất được chia cho người dân chuyển từ Chăn Nưa về tái định cư. Đợt đầu về là quãng năm 1992, người dân tái định cư được hỗ trợ thí điểm trồng mía, trồng rừng nhưng mà mía trồng ra không có nhà máy, không người thu mua nên dân bỏ mặc cây mía trổ cờ trắng như lau. Với dự án trồng rừng thì tỷ lệ cây sống rất ít vì khô hạn.
Tại các bản tái định cư như: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa, Tân Phong… 100% người dân đều là dân tộc Thái trắng, họ sống nhờ ít ruộng nước và làm thuê làm mướn theo mùa. Nhà nào cố gắng lắm mới tạm đủ ăn 9 hoặc 10 tháng mỗi năm, còn hầu hết các gia đình đều thiếu ăn khoảng 6 tháng trong năm. Khó khăn quá, nhiều cặp vợ chồng tìm đường về phố làm thuê, con thơ gửi lại cha mẹ già. Bản nghèo vốn ít người lại càng thưa vắng hơn.
Vậy mà nay, Si Pa Phìn đã khác. Rau ở Si Pa Phìn xanh mướt mải theo mùa, chanh leo trên đất Si Pa Phìn cho quả trĩu cành, người dân tộc Thái các bản Tân Lập, Tân Hưng… không chỉ biết cách trồng rau, trồng cây ăn quả theo mùa mà còn biết trồng rau chất lượng cao trong nhà màng, nhà kính. Rau, quả của Si Pa Phìn đã không chỉ cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của gần 15 nghìn học sinh nội trú, bán trú trong huyện Nậm Pồ mà còn cung cấp một phần cho học sinh của huyện Mường Chà, một phần mang về phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Thành quả bước đầu từ mô hình trồng rau trên cao nguyên Si Pa Phìn đã và đang khiến cán bộ, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và người dân sở tại thay đổi nhận định về một vùng đất mà chính họ đã từng cảm thấy bất lực trước tạo hoá, thiên nhiên.
"Vườn rau 30ha này đã đem lại bài học thật giá trị cho cấp ủy, chính quyền và tất cả người dân trong xã. Trước nhất là thay đổi nhận định tồn tại bấy lâu nay, rằng đất Si Pa Phìn khô hạn, bạc màu không cây gì sống nổi. Thứ nữa là thay đổi về cách nghĩ, cách làm và thay đổi cả thói quen "gieo hạt bỏ mặc cây" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con dân tộc bản địa. Với cán bộ thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận là chúng tôi cũng cần thay đổi trong phương thức lãnh đạo, điều hành. Thay vì chỉ triển khai nghị quyết, đôn đốc cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện theo nghị quyết thì chính chúng tôi phải là đầu tàu bắt tay thực hiện nghị quyết bằng việc làm, hành động cụ thể để đảng viên, quần chúng làm theo. Tới đây mỗi cán bộ trong xã Si Pa Phìn sẽ trực tiếp triển khai một mô hình sản xuất cụ thể để cải thiện thu nhập gia đình và làm mẫu nhân rộng trong nhân dân" - Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn nói.
Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo trên báo điện tử Trang Trại Việt vào 6h sáng mai (ngày 3/7)