Đôi giày đen của Đoàn dừng lại ở một cái cây trơ trọi giữa đồng, năm chục tải thóc chất đống. Sáu bác nông dân được anh giao thu hoạch lúa vừa từ dưới ruộng lên. Họ ào vào xô nước đá, ngồi vật dưới bóng cây. Ai nấy mồ hôi ròng ròng. Trên cánh đồng, chiếc máy gặt vẫn cần mẫn làm việc.
Hỏi thăm một lượt mọi người, Đoàn dặn trước lúc họ về nghỉ trưa: "Chiều 2h xuống đồng".
Vốn là một "trai phố" theo nghiệp kinh doanh nhưng 8 năm trước, Nguyễn Xuân Đoàn bén duyên với lĩnh vực nông nghiệp sau lần gặp các giảng viên tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và biết đến công nghệ phân nén nhả chậm dùng trong nông nghiệp. Loại phân này phải vùi sâu dưới lớp bùn, cả vụ chỉ cần bón một lần, thay vì ba lần như kiểu canh tác truyền thống.
"Nghe các thầy nói tới đâu, tôi mê tới đó", Đoàn kể. Anh mua lại công nghệ phân nhả chậm và thành lập công ty phân bón. Những năm ấy, Đoàn lặn lội về các vùng nông thôn, vùng sâu xa tiếp thị sản phẩm. Dù làm nhiều cách, phân nhả chậm vẫn ít được bà con chào đón. "Tôi thất bại, mất cả tiền tỷ", anh nhớ lại.
Song trong quá trình tiếp thị sản phẩm, Đoàn thấy nhiều địa phương bỏ ruộng hoang. Tại Hưng Yên quê anh, có những cánh đồng bỏ hoang đến quá nửa, cây dại mọc cao ngang người. "Tôi nghĩ chỉ có đưa máy móc vào mới giảm được tình trạng bỏ ruộng", anh nói.
Trên thế giới, nhiều nước đã bước sang cách mạng số hóa thì ở nước ta vẫn loay hoay trong cuộc cách mạng cơ giới hóa. Bằng chứng là tại nhiều vùng quê vẫn còn tình trạng cả làng đi cấy. Từ bán phân bón, anh Đoàn mua khay làm mạ và máy cấy làm dịch vụ cho bà con với giá chỉ bằng phân nửa so với cách làm truyền thống.
Ngày đầu tiên, chiếc máy cấy 6 bò xuống ruộng ở Lương Tài và Gia Bình (Bắc Ninh), bà con xúm lại xem rất đông. Thấy khoảng cách giữa các cây mạ rộng hoang hoác, không ít người nói thẳng vào mặt anh: "Cấy dày còn chẳng ăn ai, cấy thế này có mà ăn cám".
Anh Đoàn giải thích: "Khoảng cách này tạo khả năng đẻ nhánh, tăng khả năng quang hợp, giúp cây cứng cáp, giảm chi phí thóc giống, sâu bệnh". Cuối vụ, những thửa ruộng cấy máy cho năng suất cao hơn hẳn so với cấy tay. Bà con nông dân đăng ký dịch vụ của anh tăng lên. Những vụ sau, anh mở rộng dịch vụ máy cấy sang các tỉnh khác.
Thuyết phục được người dân tin vào máy cấy vẫn chưa đủ. Những cánh đồng vẫn chủ yếu được canh tác theo kiểu cũ, hiệu quả không cao, ruộng bỏ hoang nhiều. Năm 2019, Nguyễn Xuân Đoàn quyết định tự mình trồng lúa. Bạn bè, đồng nghiệp không một ai ủng hộ. "Ai cũng bảo làm nông quá nhiều rủi ro. Tôi thì nghĩ chẳng có việc gì mà không rủi ro hết. Quan trọng mình phải làm chủ được nó", anh nói.
Một trong những việc đầu tiên của "anh nông dân" Đoàn là kết nối với các chuyên gia nông nghiệp. Từng khâu như phân bón, mạ khay, sâu bệnh, anh đều tìm được những người nhiều kinh nghiệm và giao cho họ đảm nhận. Anh cũng kết hợp với những nông dân cùng chí hướng. Anh đầu tư phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật, gieo cấy, thu hoạch, chủ ruộng lo nước tưới tiêu, chăm sóc. Lợi nhuận cùng chia.
Vụ hè thu 2019, anh thuê được 25 hecta ruộng của xã Tân Việt, Yên Mỹ. Tháng 6 bước xuống ruộng nóng bỏng chân, nhưng các máy dặm phân, máy cấy của công ty anh Đoàn nhàn nhã chạy. Dăm ngày sau, màu mạ non thay thế những cánh đồng hoang hóa.
Mạ bén rễ. Lòng người cũng phơi phới. Bất chợt bão số 2 đổ về. Ruộng để hoang quá lâu, kênh mương bị bồi lấp. Nước ngập trắng cả cánh đồng. Suốt 5 ngày 5 đêm, anh Đoàn ăn ngủ tại ruộng, cùng dân bơm nước cứu lúa. Chỉ 6,3 hecta được cứu, còn lại mất hết.
"Lỗ 400 triệu đồng. Đó là lần thứ 2 tôi phải cắm sổ đỏ để trả nợ", anh chia sẻ.
Tám năm bước chân vào nông nghiệp, cơ bản chỉ hòa vốn hoặc lỗ, anh Đoàn vẫn không nản bởi nhận thấy "xu hướng máy móc thay thế sức lao động là tất yếu. Một khi áp dụng được đồng bộ công nghệ vào sản xuất, trước sau sẽ thành công".
Vụ Đông Xuân vừa qua, anh vừa cấy của mình, vừa làm dịch vụ cho dân được 70 hecta. Thời tiết không thuận lợi nên năng suất chỉ đạt 1,7 tạ lúa nếp/sào, trong khi mục tiêu đặt ra là 2 tạ/sào. "May mắn giá thóc năm nay cao hơn mọi năm, có lãi một tí", anh nói.
Vụ Hè Thu này, anh Đoàn mở rộng diện tích trồng lúa của mình lên trên 200 hecta, không chỉ ở Hưng Yên mà còn ở Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh.
Diện tích trồng lúa tăng lên gấp 10, đồng nghĩa khối lượng công việc cũng tăng theo. Dù đã có nhân viên phân theo từng vùng, từng mảng và các bác nông dân giúp việc, anh Đoàn vẫn ra khỏi nhà từ lúc vợ con chưa dậy và về lúc cả nhà đã say ngủ.
Giám đốc nông dân này chia sẻ, việc gieo cấy trên quy mô lớn sẽ tạo điều kiện sử dụng máy móc dễ dàng hơn. Năng suất của máy móc đều gấp từ vài chục đến cả trăm lần lao động thủ công. Đơn cử một chiếc máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu được từ 8-10 hecta mỗi ngày, trong khi một người lao động chỉ phun được vài sào.
Anh cũng đang áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Hiện tại toàn bộ diện tích ruộng đều được đo trên điện thoại. Lịch gieo trồng, mức độ bón phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát qua phần mềm. Những việc này không chỉ giúp dễ theo dõi, còn tiết kiệm được công sức.
Ông Nguyễn Văn Huấn, trưởng thôn Nội Tây, xã Trung Hòa, chia sẻ, thôn Nội Tây có 18 hecta ruộng. Những năm gần đây thôn chỉ có máy lồng, máy gặt, các công đoạn còn lại đều phải làm bằng sức người. "Thôn của chúng tôi địa thế đẹp nên tỷ lệ người dân làm ruộng cao. Các thôn xung quanh người ta bỏ ruộng quá nửa. Một bộ phận người dân thích đi làm khu công nghiệp hơn làm ruộng bấp bênh. Số ít bám trụ thì chán nản vì năng suất thu hoạch không bù được chi phí đầu tư", ông cho biết.
Vụ này 40% diện tích ruộng của thôn Nội Tây sẽ thuê dịch vụ mạ khay máy cấy của anh Đoàn. "Kiểm nghiệm được hiệu quả, từ vụ sau chúng tôi sẽ mở rộng ra các diện tích còn lại", ông Huấn nói.
Chiều muộn, lão nông Nguyễn Hữu Chi ở thôn Thượng Bùi (Yên Mỹ) dặn đi dặn lại anh Đoàn: "Vụ này chú làm dịch vụ cho tôi 10 mẫu đấy nhé". "Yên tâm đi. Một sào tôi cũng làm cho bác", anh đáp.
Tham vọng của Nguyễn Xuân Đoàn là sẽ làm từ khâu đầu tới khâu cuối hoàn toàn bằng máy, để người nông dân không phải xuống ruộng nữa.