Từ năm 2019 trở về trước, bà con dân tộc Thái bản Lọng Khoang, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) đi lại rất khó khăn, các phương tiện giao thông vận chuyển nông sản qua suối rất vất vả. Xuất phát từ thực tế đó, người dân mong muốn có cây cầu bê tông vững chãi bắc qua suối để họ đi lại và vận chuyển hàng hoá thuận lợi hơn. Sau nhiều năm vất vả với nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến lại buồn phiền lo âu, trẻ nhỏ nhiều khi phải nghỉ học. Giờ đây bà con ở bản Lọng Khoang đã có cây cầu mới, kiên cố, vững chãi bắc qua suối. Người dân hoàn toàn yên tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lò Văn Khánh, bản Lọng Khoang bảo: "Trước đây gia đình tôi trồng ngô và sắn, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn nông sản nhưng muốn vận chuyển ra trung tâm xã và huyện bán thì gặp nhiều trở ngại. Do không có cầu bắc qua suối kiên cố, trời mưa là nước dâng cao không tài nào qua suối được nên giá cả nông sản thường hay bị o ép. Về mùa khô thì mực nước xuống thấp có độ sâu từ 2m – 3m, muốn chở hàng hóa qua suối phải có 2 người – 3 người hỗ trợ nhau mới qua suối được.
Từ khi có cây cầu mới, chúng tôi đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Chúng tôi rất vui sướng và biết ơn các nhóm thiện nguyện và UBND huyện Mai Sơn đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho bà con".
Được biết, bản Lọng Khoang là một trong những bản nghèo của xã Hát Lót, có 103 hộ với 500 nhân khẩu. Vào mùa lũ, nước chảy xiết và dâng cao gây nguy hiểm cho bà con đi lại. Trước đây, bắc qua suối là cây cầu treo cũ kỹ và xuống cấp, mức độ an toàn không được bảo đảm. Vận chuyển hàng hóa qua cầu gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Đối với các em học sinh, con đường đến trường là một nỗi ám ảnh mỗi khi phải đi qua cầu, qua suối. Có 1 cây cầu là sự mong mỏi rất lớn của bà con từ rất nhiều năm nay.
Với mong muốn chia sẻ những khó khăn với bà con bản Lọng Khoang, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Nhóm thiện nguyện Ấm áp vùng cao; nhóm thiện nguyện Nhịp cầu hạnh phúc, Công ty TNHH Bình An... đã tiến hành khảo sát. Sau đó cầu được khởi công xây dựng, sau hơn 5 tháng thi công cây cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 3/10/2020.
Trước đó, cũng tại buổi lễ khánh thành cây cầu dân sinh bản Lọng Khoang, các nhóm thiện nguyện đã trao 40 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 20 xuất quả trị giá 500.000 đồng cho các em học sinh, thuộc xã Hát Lót có thành tích học cao trong học tập.
Em Lò Thị Thu Phương, bản Lọng Khoang, cho hay: "Em rất vui khi thấy cây cầu mới được xây dựng. Từ nay em và các bạn trong bản đi học không còn phải đi trên cây cầu treo xuống cấp nữa. Bên cạnh niềm vui có cây cầu mới, em còn được các cô chú trong nhóm thiện nguyện tặng 1 chiếc xe đạp. Em sẽ cố gắng học tập hơn trong thời gian tới".
Không giấu được niềm vui sướng trên gương mặt, già làng Vì Văn Chấc, bản Lọng Khoang, xã Hát Lót cho hay: "Tôi sống đến nay đã trên 80 tuổi, tôi luôn mong sao có cây cầu mới bắc qua suối cho con cháu và dân bản đi lại và vận chuyển hàng hoá dễ dàng hơn. Đến nay ước mơ đó đã trở thành sự thật, chúng tôi hết sức phấn khởi, cảm ơn Đảng và Nhà nước, các nhóm thiện nguyện đã quan tâm, giúp đỡ người dân chúng tôi".
Theo ông Nguyễn Thanh An, Trường phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, cây cầu được thiết kế với kết cấu nhịp dầm chính bằng thép hình chữ I hàn tổ hợp cao 706mm, bản mặt cầu bê tông cốt thép mác 250 chiều dày bản 16 - 18cm, dốc ngang sang hai bên. Chiều dài kết cấu nhịp cầu L =18,5m, gờ chắn bánh xe bằng bê tông cốt thép mác 200 cao 25cm, tay vịn bê tông cốt thép tròn phi 90, trên thân cột bê tông đúc tại chỗ. Mố cầu dạng hình chữ U bằng bê tông cốt thép mác 200 đổ tại chỗ... Dự án có tổng mức đầu tư là 526.000.000 triệu đồng, sử dụng nguồn kinh phí của các nhóm thiện nguyện. Huy động đóng góp nhân công bằng thủ công và vật liệu đất, đá cây chống tại chỗ.
"Mục tiêu đầu tư xây dựng cây cầu dân sinh ở bản Lọng Khoang nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc. Đồng thời tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho bà con đi lại và thông thương hàng hóa dễ dàng hơn. Việc đưa cây cầu vào sử dụng còn tạo bước đệm để mở rộng thêm diện tích cây ăn quả khoảng 200 ha trên địa bàn xã Hát lót. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong khu vực", ông Nguyễn Thanh An, Trường phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhận định.