Nằm cách đường liên huyện Di Lăng, Sơn Hà-Trà Trung, Tây Trà (Quảng Ngãi) gần 20 km và cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 130 km, từ nhiều năm qua, đồng bào thiểu số người Kor ở đây khá nổi tiếng với việc nuôi giống heo đi hoang này.
Qua quan sát thì giống heo đi hoang này có mõm dài, lưng gãy và đại đa số có lông màu sẫm đen, phần móng chân màu trắng. Tuy nhiên cũng một số rất ít có khoang trắng trên thân.
Theo lời của bà con trong làng, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ heo lớn heo bé đều kéo nhau vào khu vực bìa rừng lân cận để kiếm ăn và đến khi chiều tối mới trở lại về sân nhà để ngủ. Đó cũng là nguồn gốc của tên gọi "heo đi hoang" hay "heo đi chơi" là vậy.
Một điểm khác lạ nữa, khi mang thai và chuẩn bị đẻ, heo mẹ lại vào khu vực rừng rậm gần đó làm ổ và đẻ như heo rừng. Đến khi người chủ tìm và bắt con bỏ vào gùi mang về nhà thì heo mẹ mới theo về, còn nếu không thì đàn con sẽ ở luôn trong rừng.
Cũng chính vì sống gần như hoang dã và thức ăn chỉ là cỏ, côn trùng như giun, dế... nên theo nhiều người dân trong bản, heo đi hoang khi trưởng thành có trọng lượng thường chỉ từ 40 kg/con. Riêng heo đực thì nhỏ hơn, chỉ từ 20-30 kg/con.
Anh Hồ Văn Nin cho biết: "Heo đi hoang rất chậm lớn. Từ khi vừa được đẻ ra đến lúc cân nặng khoảng 12-15 kg/con phải mất thời gian 6-7 tháng. Còn đến khi 20-30 kg/con phải hơn 1 năm".
Với ưu điểm thịt ngon, săn chắc, sạch 100%, heo đi hoang được nhiều người tiêu dùng ở đồng bằng ưa chuộng. Vào những dịp lễ Tết, bất chấp đường đi lại rất khó khăn hiểm trở nhưng các thương lái miền xuôi vẫn thường lên tận nơi để mua loại heo đặc sản núi rừng này về bán.