Nhiều doanh nghiệp ủng hộ
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội chiều 12/3, ông Cường nhấn mạnh, tại hội nghị hôm nay, 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần có vai trò dẫn dắt. Các đơn vị này vào cuộc, thì bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đi theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, nay lãi mai mất thị trường.
"Ngay sau cuộc họp này, chúng ta phải đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận tại Hội nghị ngày 12/3.
Chia sẻ lý do yêu cầu các doanh nghiệp lớn đưa giá lợn hơi về ngưỡng 70.000 đồng/kg với PV Trang trại Việt bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết cơ sở thứ nhất là dịch tả lợn châu Phi đã qua, thứ hai là cơ sở tạo giống, nguồn giống, điều kiện chăn nuôi,… đã đủ để phát triển.
"Sau một năm bị tác động bởi dịch tả lợn châu Phi, tới đây Việt Nam sẽ không thiếu thịt lợn. Không có lý do gì mà thịt lợn hơi không xuống 70.000 đồng/kg cả", Bộ trưởng Cường nói.
Ông phân tích, giá thành sản xuất thịt lợn tại các doanh nghiệp lớn hiện xung quanh 40.000-45.000 đồng/kg, tỷ suất lợi nhuận khi bán ra 70.000 đồng/kg hơi là phù hợp để bảo vệ thị trường phát triển bền vững.
Trường hợp không thực hiện được, Chính phủ sẽ cho tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Khi đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường ngay trên sân nhà.
"Giá cao quá thì hàng hóa ở nơi khác vào, tự ta đánh mất thị trường ở chính chúng ta", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tính đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Bộ NNPTNT nhận định với tình hình như hiện nay, sản lượng thịt lợn năm 2020 dự kiến đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019.
Sau khi nhận được yêu cầu đưa giá thịt lợn về mức 70.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị đã bày tỏ sự đồng tình và hứa sẽ ủng hộ lời kêu gọi của người đứng đầu Ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay: Về giá lợn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ. Dabaco không muốn giá lợn cao, vì như thế sẽ không bền vững, không phát triển được. Chúng tôi sẽ phát triển tái đàn. Cam kết với Bộ trưởng là Tập đoàn sẽ cố gắng đưa giá lợn xuống mức 70.000đ/kg.
"Tôi mong Chính phủ giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng vào Việt Nam như thịt và chế phẩm từ thịt", ông Thảo kiến nghị.
Người tiêu dùng phấn khởi
Trước động thái tích cực của Chính phủ và Bộ NNPTNT, nhiều người dân tiêu dùng đã tỏ ra sự vui mừng, phấn khởi và mọi người tin rằng, sau khi giá lợn hơi trở về mốc 70.000 đồng/kg thì các sản phẩm thịt lợn sẽ giảm mạnh giúp bà con yên tâm sử dụng nhiều sản phẩm này hơn.
Bà Phạm Thị Thơm, người dân ở Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hiện giá thịt lợn tại chợ, cửa hàng và siêu thị vẫn rất cao, trung bình từ 150.000 đồng đến trên 200.000 đồng/kg.
"Từ trước đến nay mọi người vẫn quen sử dụng và ăn nhiều thịt lợn nhưng vừa qua khi mặt hàng này tăng giá quá cao cũng khiến bà con suy nghĩ và giảm mua nhiều. Nếu sắp tới giá thịt heo giảm và ổn định thì người dân sẽ tiếp tục quay lại mua, tiêu dùng lại bình thường", bà Thơm chia sẻ.
Sau khi giá các mặt hàng thịt heo tăng cao, mấy tháng nay gia đình ông Nguyễn Trọng Nam, ở Nghĩa Chánh (Quảng Ngãi) đã gần như đã bỏ dần các món liên quan đến thịt heo và thay vào đó, các thành viên trong gia đình ông dùng nhiều thịt gia cầm, thủy cầm hơn.
"Chúng tôi từng rất thích thịt heo nhưng để cân đối chi tiêu sinh hoạt mọi người đành phải bỏ sở thích của mình thôi", ông Nam nói.
Ông Nam, bà Thơm và nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh, thành đang rất đặt kỳ vọng, động thái kéo giá thịt heo xuống 70.000 đồng/kg của Chính phủ và Bộ NNPTNT sẽ thành công và giúp người dân tiếp tục có cơ hội ăn thịt lợn giá rẻ.
"Dù là mệnh lệnh hành chính nhưng chúng tôi rất mong các doanh nghiệp và lái buôn sẽ làm theo để người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Nam bộc bạch.