dd/mm/yyyy

Biến VietGAP thành bình phong trục lợi

Tính đến nay, VietGAP đã song hành cùng nông dân Việt Nam được 8 năm. Nhưng thực tế vì tư lợi, đã xuất hiện tình trạng gian lận biến VietGAP thành bình phong để lừa dối người tiêu dùng.

Rau vietGAP được trồng tại một số xã của huyện Đông Anh (Hà Nội) đang gặp khó khăn trên thị trường, ảnh Hải Đăng.

Rau “2 không” đội lốt rau VietGAP

Vụ việc rau an toàn (RAT) Ba Chữ tại Hà Nội đội lốt VietGAP vào các siêu thị, trung tâm thương mại bị phát hiện dịp cuối năm 2015, hay mới đây là vụ việc rau chợ “đội lốt” RAT của HTX Rau an toàn Thành Công (xã Vân Trì, huyện Đông Anh, Hà Nội) đưa vào bày bán tại hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình thủ tục, kiểm soát đối tác cung cấp rau, khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm rau VietGAP.

Trong đó, vụ việc rau chợ mạo danh rau an toàn tuồn vào hệ thống siêu thị Metro đã xảy ra nhiều năm nay, song mới được báo chí phát hiện vào tháng 4.2016 vừa qua. Đó là việc bà Nguyễn Thị Tưởng, một tiểu thương buôn, chế biến rau ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) gần 2 năm nay “tuồn” rau vào bán trong hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội. Chủ yếu các nguồn rau được bà Tưởng thu mua từ các cơ sở rau 2 không (không giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận VietGAP) trên địa bàn một số xã của huyện Mê Linh. Sau khi thu mua, bà Tưởng đóng túi lưới, dán nhãn mác đưa vào bán tại hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội, rồi bày bán công khai cho người tiêu dùng.

Ngay sau đó, theo khảo sát của phóng viên tại siêu thị Metro, tất cả các sản phẩm rau, củ, quả do cơ sở của bà Nguyễn Thị Tưởng cung cấp đều ghi rõ thông tin và địa chỉ của nhà cung cấp là: Nguyễn Thị Tưởng, địa chỉ: xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ những mặt hàng trên không được thông tin đầy đủ. Đáng nói trong bản thuyết minh mô tả về sản phẩm của cơ sở sơ chế Nguyễn Thị Tưởng mà phòng Kinh tế huyện Mê Linh cung cấp cho phóng viên, có hai sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là khoai tây và hành tây. Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của siêu thị Metro lại ghi tên hai sản phẩm này là: “Khoai tay Bac an toan” (khoai tây Bắc an toàn) và “Hanh tay Bac an toan” (Hành tây Bắc an toàn). Không hiểu đây chỉ là sai sót hay cố tình gian lận thương mại?...

Việc giao dịch giữa người dân và đơn vị phân phối vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin...

Ngay sau khi được báo chí cung cấp thông tin, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh nông sản, lương thực, thực phẩm, rau củ quả tươi của bà Nguyễn Thị Tưởng và phát hiện ra nhiều vi phạm của cơ sở này. Tại đây, bà Tưởng, chủ cơ sở khai nhận chỉ có hợp đồng thu mua rau, củ, quả với HTX rau an toàn Thành Công để đưa vào siêu thị Metro. Tuy nhiên, những ngày thiếu hàng, bà Tưởng lại nhập rau ở các HTX và những người buôn rau khác. Những giao dịch hàng hóa trên hoàn toàn không có giấy tờ mua bán và truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, mà chủ yếu dựa vào niềm tin...

Đặc biệt, qua vụ việc rau Ba Chữ, người ta phát hiện ra rằng, để trở thành đối tác và được cung cấp rau cho hệ thống siêu thị, các nhà cung cấp rau phải có trong tay từ 4-5 loại giấy tờ kèm theo. Đầu tiên là Giấy đầu tư cấp phép kinh doanh (do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp); Giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất rau; Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sơ chế rau (do Sở NN&PTNT Hà Nội cấp) và một số giấy tờ khác liên quan như các mẫu phân tích rau (nơi yêu cầu, nơi không yêu cầu), hóa đơn chứng từ, phiếu xuất kho… Những giấy tờ đó được mặc định là “tấm vé” để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa rau vào hệ thống siêu thị.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội thì những loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện ATTP trong sản xuất cũng như trong sơ chế chỉ có tác dụng, ý nghĩa chứng minh là đối tác này trồng rau trên vùng đã được cơ quan chức năng phân tích mẫu đất, nước, không khí đủ điều kiện để tiến hành sản xuất RAT cũng như nhà xưởng, thiết bị, nguồn nước đủ điều kiện để sơ chế đóng RAT.

Chứng nhận VietGAP dễ như mua rau

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, đến nay, tổng diện tích trồng RAT cả nước mới chỉ đạt 8 - 8,5%, diện tích trồng quả và chè 20%. Anh Hoàng Thắng – chủ một trang trại chăn nuôi lợn, rau rừng quy mô lớn ở Hà Nội mới được chứng nhận VietGAP, cho rằng: Theo quy định, nếu Cục Trồng trọt kiểm tra và phát hiện các đơn vị vi phạm, chào bán chứng nhận VietGAP, Cục sẽ hủy chỉ định 1 năm thì mức xử phạt như vậy là quá nhẹ và không đủ sức răn đe, khiến cho các trang trại làm ăn chân chính thiệt thòi.

“Thực tế cho thấy, dù thực hiện theo VietGAP nhưng những sản phẩm từ mô hình này có giá bán không khác biệt nhiều so với giá các sản phẩm sản xuất theo cách thông thường, trong khi chi phí theo VietGAP khá tốn kém. Đây có thể được coi là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc phát triển của mô hình sản xuất này”, anh Thắng cho hay.

Để chứng minh cụ thể từng mặt hàng, loại rau, lô rau có an toàn hay không phải do doanh nghiệp, HTX tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp, HTX làm ăn không nghiêm túc, có thể lấy rau không rõ nguồn gốc hoặc không đủ điều kiện ATTP tuồn vào siêu thị.
Ông Nguyễn Xuân Hồng.

Một thực tế đáng báo động hiện nay là các chứng nhận VietGAP được coi là “chìa khóa” giúp nông sản có thị trường tốt với giá cao hơn, nhưng lại có thể trao đổi, mua bán “dễ như mua rau ngoài chợ”. Mà điển hình là vụ việc do VTV24 phản ánh đã vạch trần đường dây mua bán chứng nhận VietGAP.

Vấn đề đặt ra cho nhà quản lý là làm thế nào để đưa VietGAP vào cuộc sống. Đã có nhiều hội thảo, nhiều hoạt động xúc tiến của các cơ quan quản lý nhưng giải pháp hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở các dự án hỗ trợ. Điều này rất nguy hiểm vì các gói hỗ trợ sẽ tạo nên một phong trào áp dụng VietGAP và thực tế các gói hỗ trợ này có phải người nông dân được hưởng hết đâu.

Đã có những trang trại từ chối các gói hỗ trợ này vì họ cho rằng họ không được gì, mà thực ra chỉ giúp “cán bộ” giải ngân mà thôi. Cho nên, giải pháp hỗ trợ cần phải xem lại nếu không sẽ trở thành phản tác dụng. Cái cần là phải làm gì để nông dân thấy áp dụng VietGAP là có lợi. Chỉ cần có lợi nho nhỏ mà người nông dân nhìn thấy là người nông dân sẽ áp dụng bởi người nông dân luôn “lấy công làm lãi”.

Hải Đăng