dd/mm/yyyy

"Bí quyết" trồng dâu tây cho nhiều hoa, sai quả

Trồng dâu tây, quan trọng nhất là khâu chọn giống phù hợp và làm đất kỹ để đất luôn tơi xốp suốt quá trình sinh trưởng.

Bước 1: Chọn mua hạt giống từ một vườn ươm địa phương hoặc mua trực tuyến ở địa chỉ tin cậy. Lưu ý, dâu tây có nhiều loại, thích hợp với nhiều thời tiết khác nhau. Dâu Nhật và New Zealand có thể chịu được nhiệt độ cao, lên tới 40 độ, trong khi dâu Mỹ chỉ thích hợp với thời tiết lạnh.

Bước 2: Lấy một bình hoặc máng đổ đầy đất vào và tưới ngập nước. Lưu ý là đất cần được làm cho tơi xốp, không được chai cứng, khó thoát nước.

Bước 3: Dùng ngón tay ấn xuống tạo lỗ khoảng 0.25 inch (6 mm), khoảng cách giữa các hố là 15 cm.

Bước 4: Bỏ 3 hạt giống vào mỗi lỗ nhỏ rồi lấp đất lại. Người trồng chỉ cần dùng tay ấn nhẹ, không ấn mạnh vì như thế sẽ làm cho đất bị nén chặt và hạt giống khó nảy mầm.

Bước 5: Lấy màng ni-lông phủ kín quanh máng để giữ độ ẩm cho đất trong suốt quá trình hạt giống nảy mầm. Đặt máng ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Nếu trồng dâu tây vào mùa đông, hãy đặt cây ở chỗ nào đó tản nhiệt, ấm áp.

Bước 6: Tưới nước hàng ngày, giữ cho đất ẩm nhưng không bị sũng. Kiểm tra thường xuyên để chắc chắn đất không bị khô.

Bước 7: Tháo bỏ lớp màng ni-lông khi thấy hạt giống nảy mầm. Lúc này do không có màng bọc nên đất sẽ nhanh khô hơn, người trồng cần thường xuyên kiểm tra đất xem có ẩm, đủ nước không. Đồng thời, nhớ loại bỏ những cây yếu, còi, giữ lại cây to khỏe nhất trong mỗi hố.

Bước 8: Sử dụng phân bón lỏng để cung cấp chất dinh dưỡng. Hãy chọn loại phân bón phù hợp với từng giống cây.

Bước 9: Khi cây ra hoa, hãy ngắt bỏ bông đầu tiên. Việc này giúp cho cây dâu phát triển tốt, bộ rễ mọc khỏe mạnh, theo đó hoa sẽ ra nhiều hơn.

Bước 10: Thu hoạch dâu tây. Khi quả dâu tây chuyển sang màu đỏ tươi, chín mọng, có nghĩa nó đã sẵn sàng để thu hoạch. Hãy đựng dâu tây trong khăn giấy hoặc trong từng khay nhỏ để đảm bảo quả không bị dập nát, xước xát.

Thế Đan