dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Mai "chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Sau những cố gắng của cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận của người dân, đến nay xã Chiềng Mai (Mai Sơn, Sơn La) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện, xã đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối tháng 12 này.

Clip: Xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Mai "chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Xây dựng nông thôn mới - "Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Là một trong những xã vùng 3 khó khăn của huyện Mai Sơn, Chiềng Mai bắt tay vào xây dựng nông thôn mới khi cơ sở hạ tầng giao thông, các hạng mục hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế. Với xuất phát điểm thấp nên hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã gặp không ít những trở ngại.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, xã Chiềng Mai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách cũng như mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới tới cán bộ, đảng viên và người dân.

Chiềng Mai “vượt khó” về đích nông thôn mới  - Ảnh 1.

Nhờ sự đồng thuận của người dân xã Chiềng Mai, nhiều cổng bản khang trang được đầu tư, xây dựng. Ảnh: Xuân Ân.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Mai cho biết: Từ khi có Nghị quyết Đảng bộ huyện cũng như kế hoạch của UBND huyện về xây dựng xã Chiềng Mai đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ xã xác định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và cái khó nhất là làm sao thay đổi nhận thức cho người dân, từ phát triển kinh tế đến phát triển cơ sở hạ tầng. Trước những khó khăn như vậy, Đảng bộ xã đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị với phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc của người dân. Đặc biệt là phải trực tiếp thâm nhập vào trong dân để nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Các nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng nông thôn mới đều được bàn bạc thông suốt từ xã đến các bản, tiểu khu, gắn với tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các hộ dân để thông qua kế hoạch xây dựng bản, xã nông thôn mới, với phương châm "lấy dân làm gốc", "người dân làm chủ thể thực hiện", "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Xã chú trọng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực; phát huy sự vào cuộc của các Ban phát triển bản, tiểu khu, trong đó thành viên là những người có trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng bản, tiểu khu bầu ra cùng với nêu cao vai trò của người có uy tín của bản, tiểu khu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị giao ban của xã, của bản về các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ cụ thể từng ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong việc tham gia thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai đồng bộ các phong trào hoạt động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"...

Từ đó, cán bộ, người dân đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực như hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, cứng hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng cổng bản, đường điện thắp sáng …

Chiềng Mai “vượt khó” về đích nông thôn mới  - Ảnh 2.

Qua làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, người dân đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, từ đó chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực. Ảnh: Xuân Ân.

Bà Lường Thị Phượng, Phó Trưởng xóm Cứp, xã Chiềng Mai chia sẻ: "Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xóm hiểu rõ lợi ích của chương trình nông thôn mới. Để tạo được sự đồng thuận của người dân, là đảng viên, tôi đi đầu trong việc hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn; tham gia cùng bà con dọn dẹp vệ sinh, đường làng ngõ xóm… Đến nay, người dân xóm Cứp đã hiến trên 3.000m2 đất và tài sản trên đất, đóng góp gần 200 ngày công lao động".

Ông Lèo Văn Bình, bản Puốn, xã Chiềng Mai phấn khởi bảo: Trước đây, đường trong xóm là đường đất, trời mưa thì lầy lội đi lại rất khó khăn. Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi đã có đường bê tông đi lại, việc giao thương hàng hóa cũng dễ dàng hơn trước nhiều. Bên cạnh đó, trạm Y tế, trường học, nhà văn hóa... của xã đều được xây mới, sửa chữa khang trang đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và học tập của con em trên địa bàn".

"Trái ngọt" từ xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Mai

Từ năm 2021 đến nay, từ các chương trình, dự án, toàn xã đã mở rộng được 22km đường giao thông nội bản, liên bản từ 3m lên 7m với kinh phí và ngày công ước tính trên 3 tỷ đồng. Xây dựng được 4 công trình thủy lợi với kinh phí thực hiện 2,709 tỷ đồng; 9/10 cổng bản với giá trị trên 200 triệu đồng; 4 tuyến đường điện "Ánh sáng đường quê", tổng chiều dài 3.240m; 6 công trình trường lớp học với kinh phí thực hiện 6,089 tỷ đồng; 9 công trình nhà văn hóa xã, bản và hỗ trợ thiết chế văn hóa với kinh phí thực hiện 6,776 tỷ đồng; 1 công trình y tế với kinh phí thực hiện 3,8 tỷ đồng; 1 công trình nước sinh hoạt phục vụ cho 5 bản cho hơn 600 hộ dân, kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng.

Chiềng Mai “vượt khó” về đích nông thôn mới  - Ảnh 3.

Chiềng Mai “vượt khó” về đích nông thôn mới  - Ảnh 4.

Diện mạo của xã Chiềng Mai "thay da đổi thịt" nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Ân.

11/11 bản, tiểu khu có nhà văn hóa, sân thể thao phục vụ hoạt động của người dân; trung tâm xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhà văn hóa xã với quy mô hơn 200 chỗ ngồi, qua đó đáp ứng nhu cầu hoạt động, sinh hoạt chính trị và văn hóa của Đảng bộ xã; có 1.171/1.296 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 90,4% và 11/11 bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu bản, tiểu khu văn hóa, chiếm 100%;

Đến hết năm 2024, xã có 6/11 bản nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận, trong đó có 5 bản nông thôn mới và 1 bản nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2025 tiếp tục xây dựng thêm 03 bản, tiểu khu đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 9/11 bản theo kế hoạch đề ra.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Mai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2021, xã Chiềng Mai mới đạt 13 tiêu chí, 41 chỉ tiêu, gồm: Tiêu chí Quy hoạch; Thủy lợi; Điện; Trường học; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin truyền thông; Lao động việc làm; Hình thức tổ chức sản xuất; Giáo dục; Y tế; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Quốc phòng và an ninh; Hộ nghèo; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Còn lại 6 tiêu chí và 16 chỉ tiêu chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 26%, cơ sở vật chất văn hóa và hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ…

Đến nay, xã Chiềng Mai đã đạt được 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới. thu nhập của người dân trên địa bàn xã liên tục tăng qua các năm, từ năm 2021 đạt 26 triệu/người/năm đến năm 2024 đạt 46,14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 từ 26%, đến năm 2024 giảm xuống còn 4,7%... Xã đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối tháng 12 này.

Diện mạo của Chiềng Mai ngày càng "thay da đổi thịt", nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Đây thực sự là những "trái ngọt" mà xã đã gặt hái được trong quá trình xây dựng nông thôn mới…

Xuân Ân - Tất Định