Clip: Sơn La thay đổi diện mạo nhờ xây dựng nông thôn mới
Đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới
Sơn La được biết đến việc xây dựng nông thôn mới ở các xã, bản vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Song, những năm qua địa phương này đã có những cách làm phù hợp trong xây dựng nông thôn mới, đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Châu (Sơn La) đã chủ động, sáng tạo trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc.
Ông Vũ Hải Yến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Huyện Yên Châu có 14 xã, trong đó 4 xã biên giới. Hăng năm, huyện Yên Châu đã đề ra kế hoạch và giải pháp cụ thể, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, đồng thời tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại, đảm bảo về đích đúng hạn.
Đến nay, toàn huyện có 6/14 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 13,28 tiêu chí, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Năm 2024, huyện đã đầu tư trên 9,1 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và đóng góp của người dân để phát triển hạ tầng. 100% các xã đạt tiêu chí quy hoạch, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và quốc phòng, an ninh. Nhiều tiêu chí khác về trường học, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, giảm nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường, an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật đều có tiến bộ so với năm 2023.
Còn tại huyện Thuận Châu, để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, địa phương này đã tập trung thực hiện tiêu chí thu nhập, một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng cao.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, với các tiểu vùng khí hậu khác nhau, thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 4.000 ha cây ăn quả trên đất dốc, gồm xoài, nhãn, mận, thanh long; trồng cà phê xen cây ăn quả; xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp cây công nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX và người dân phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Tổng đàn gia súc có 8.960 con trâu, 53.288 con bò, 73.010 con lợn...
Với những nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, đẩy mạnh cải thiện hạ tầng nông thôn. Đến nay, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Phổng Lái, Tông Lạnh, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng La; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2,7 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện còn hơn 18% hộ nghèo, huyện đang tập trung hoàn thành tiêu chí thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Theo Bộ tiêu chí bản nông thôn mới (NTM) phải đạt các tiêu chí cơ bản, như: Thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn so với thu nhập bình quân của xã đạt chuẩn NTM tại thời điểm xét; trên 80% số đường giao thông nông thôn bê tông hóa; 100% số đường có rãnh thoát nước; 100% số hộ dân có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đối với bản NTM kiểu mẫu, chỉ xét công nhận sau khi được công nhận bản NTM và hoàn thành các chỉ tiêu của một trong 5 quy định về: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; du lịch nông thôn; văn hóa nông thôn; cảnh quan và chất lượng môi trường; chuyển đổi số nông thôn.
Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 57 bản, tiểu khu NTM; trong đó có 17 bản, tiểu khu được công nhận bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 84 bản NTM; trong đó, có 42 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu, ngoài nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phân công các sở, ngành phụ trách các tiêu chí phối hợp với các huyện, thường xuyên xuống địa bàn, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xây dựng bản nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Những kết quả trong xây dựng bản nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ tạo diện mạo, sức sống mới theo hướng văn minh, hiện đại cho các bản, mà còn tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân; tạo được mô hình mẫu trong phương pháp, cách thực hiện, để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.