Thông tin tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo trung ương sáng 19.3, ông Nguyễn Đăng Túc, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bắc Ninh, cho biết công an xác định không có cơ sở xét nghiệm số thịt lợn từ video được phát tán trên mạng xã hội ngày 22.2 vì không còn mẫu. Mẫu thịt gà, xương gà được Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) sử dụng làm thực phẩm cho học sinh ngày 5.3 khi đưa đi xét nghiệm "đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm".
Theo quy định của Bộ Y tế về bếp ăn tập thể, các món ăn trong ngày dành cho từ 30 người trở lên phải lưu mẫu ít nhất 24 giờ. Sau 24 giờ lưu mẫu mà không nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc không có yêu cầu của cơ quan quản lý thì bếp ăn có thể hủy mẫu lưu. Thời điểm công an Bắc Ninh xác minh nghi vấn thực phẩm kém chất lượng ở bếp ăn trường mầm non Thanh Khương là đầu tháng 3, trong khi mẫu thịt nổi hạch, nghi có sán được phát hiện ngày 14 và 20.2.
Về nguồn gốc thịt lợn cung cấp cho trường Thanh Khương, báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nêu rõ Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành lấy thịt lợn từ hộ kinh doanh ở xã Trí Quả (Thuận Thành) và một hộ ở xã Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội). Hộ ở xã Trí Quả mua của một hộ khác cùng xã. Cả hai hộ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp.
Riêng hộ kinh doanh thịt lợn ở xã Phú Thị, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội truy xuất.
Tại cuộc họp sáng nay, ông Nguyễn Đăng Phúc dẫn kết quả xét nghiệm ba ngày 15-17.3 tại hai bệnh viện trung ương với 186/1.756 cháu ở Thuận Thành dương tính với sán lợn (11,9%) và cho rằng "chỉ xấp xỉ bằng mức nhiễm bình quân chung 12% của 55 tỉnh, thành phố đã xét nghiệm kháng thể".
Tuy nhiên, Sở Y tế Bắc Ninh trong văn bản ngày 18.3 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh nêu rõ chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ nhiễm sán ở Thuận Thành cũng như tỉnh Bắc Ninh. Báo cáo dẫn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng năm 2009, cho thấy ít nhất 55 tỉnh thành có ca bệnh nhiễm sán/ấu trùng sán lợn, tỷ lệ dao động 0,5-12%.
Như vậy tỷ lệ 11,9% tỉnh Bắc Ninh thống kê đã tiệm cận với mức cao nhất một tỉnh/thành phố được điều tra sán lợn/ấu trùng sán lợn.
Trước sự việc trên, Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu, sớm ổn định tình hình; đồng thời xem xét hỗ trợ kinh phí, lựa chọn hình thức phù hợp, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sán lợn gạo đối với các cháu tại 19 trường mầm non - nơi tiếp nhận thực phẩm của công ty Hương Thành.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành, địa phương quản lý cung cấp, kiểm tra việc cung ứng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với tất cả trường học trên địa bàn. Những nơi không đảm bảo theo quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm minh.
Công an tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường lực lượng sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể vi phạm.
Các ngày 14, 20.2, bếp ăn Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất hiện thịt lợn nghi nhiễm sán. Ngày 22.2, video đăng tải thịt lợn nghi nhiễm sán lan truyền trên mạng khiến phụ huynh ở xã Thanh Khương đồng loạt cho con nghỉ học, yêu cầu nhà trường và chính quyền có biện pháp giải quyết.
Giữa tháng 3, một số phụ huynh lo sợ cho con đi kiểm tra, kết quả dương tính với loài ký sinh trùng nguy hiểm này. Thông tin sau đó lan rộng, khiến phụ huynh 19 trường mầm non và tiểu học Thuận Thành lo lắng, đồng loạt đưa con đưa đi xét nghiệm ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở Hà Nội khiến hai nơi này quá tải.