dd/mm/yyyy

Vũ khúc “chụp đìa”

Nước xuống. Đó là ở những vùng nước trũng và có nước nổi mạn sông Tiền, sông Hậu. Ở đó cá linh đông như trẩy hội, cua đồng bụng đầy gạch son và tép trấu kéo bằng vải mùng có thể được nửa xuồng một lần lưới.

U Minh thì khác. Mưa đưa cá lóc, cá rô đi lang thang trên những vạt tràm ngập nước tìm chỗ đẻ. Những cái đìa là nơi chúng tìm thấy thiên đường. Thời mới khai hoang U Minh thượng, họ xẻ kênh xương sống gọi là Kênh Xáng, rồi lại xẻ kênh sườn, một cây số cách nhau, cứ thế kênh dọc kênh ngang như mạng nhện. Ai thích nghề ong đi lấy ong và nộp thuế, ai thích nghề cá, được cho đào đìa, thuế cũng theo đầu “họng đìa” mà tính. Rồi chiến tranh kéo dài, đìa thành sở hữu của người sở tại giúp họ lay lắt qua ngày…

Ngày nay, cá được để yên từ khi mưa dứt tới cận Tết và sau Tết. Có một cam kết bất thành văn là đìa nhà ai người nấy thăm, không hề có nạn ăn cắp cá của nhau. Đó là đạo đức tối thiểu của con người, trên nữa là đạo lý. Hệ thống đìa cũng mạng nhện như hệ thống kênh sườn và cả kênh đầu ngàn của đất này. Người lạ đi lạc như gặp phải mê cung, họng đìa nào cũng như nhau. Chỉ có những người sở hữu chúng thì biết rõ, họng này cách đường mòn bao xa, họng kia lá dớn phủ rợp hay thưa, họng kia nữa bờ nhiều sậy hay là ít và họng kia nữa, không hiểu sao có những tổ chim gie ra trên những nhánh tràm.

Hết mưa cùng là lúc nước trong đìa đứng yên và có hạ dần khi mùa khô rõ rệt. Người chủ nhìn mặt nước biết mật độ cá trong đìa năm nay dày mỏng cỡ nào, nghĩa là trúng hay thất.

Khi đi thăm đìa, người ta hay ngồi nán lại cả buổi trên bờ, vừa hút thuốc và nghe cá thở. Cá lóc không giấu được sự có mặt của chúng trong đìa. Cá lớn quẫy mạnh bất ngờ khi tóm được con cá nhỏ ưng ý. Cá vừa vừa quẫy nhỏ hơn, nhiều tiếng quẫy nhỏ thành niềm vui lớn cho chủ đìa. Bởi cá lóc được giá nhất nên nhiều cá vừa còn hơn nhiều cá tạp. Người ta không nói là nghe cá quẫy mà là nghe cá thở. Có năm không hiểu sao cá đẻ muộn, gần tới ngày chụp đìa mà ở một góc kia còn có cá lóc mẹ lờ đờ dưới mặt cỏ canh cho bầy ròng ròng tung tăng ăn vi sinh. Như nhà nông trước mùa gặt, đi thăm đìa là niềm vui thầm lặng của những người đàn ông an lòng với nghề cá.

Mùa “chụp đìa” rộn ràng cả thôn ấp. Thương lái từ Rạch Giá vô, từ Cà Mau lên, cả từ Cần Thơ xuống đi trên những chiếc vỏ lãi lớn chở theo những chiếc thùng gò bằng tôn để đựng cá đưa về cho nhà vựa. Tiếng máy dậy kênh lớn, đèn pha sáng cả xóm làng. Họ chở theo lu hũ, cần xé, cả những tấm bạt để làm lán ăn ngủ cùng với mùa thu hoạch cá.

Những cụm nhà vần công nhau để có đủ công cho việc nặng nhọc này. Chừng năm người cho một cái đìa. Những người đàn ông thạo việc lặng lẽ đi nhấn chân lưới xuống vách đìa, cá bị đánh động bơi ra giữa đìa, lưới chụp xuống và hai người cuộn lưới về một bên. Khi cá đã nằm trong lưới, tất cả nhóm người mới dầm trong nước nâng đáy lưới lên. Cá lóc bị đưa lên trước trong những cái thùng tôn, các thứ cá tạp khác thu hoạch sau và cá nhỏ sẽ được thả lại bằng hết cho mùa cá năm sau.

Những con cá mang trong thùng. Người ta nổi lửa nướng cá ăn trưa tại chỗ. Xuyên que cây qua thân cá, sậy khô, vỏ tràm, lá dớn già… được làm mồi lửa và ai đó đã kịp chạy đi cắt mấy tàu lá chuối làm mâm… Buổi chiều một cái đìa nữa và hôm sau nữa, niềm vui ngất ngây không thua gì mùa lúa hay bất cứ mùa thu hoạch nào từ ơn đức cao dày của trời xanh và đất mẹ.

Dạ Ngân