dd/mm/yyyy

Việt Nam sẽ có khu tập trung sản xuất tôm giống bố mẹ

Thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tôm giống nhập khẩu, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu “tự túc” bằng việc xây dựng vùng quy hoạch tập trung sản xuất tôm giống bố mẹ tại đảo Phú Quý với diện tích hơn 12ha.

Ông Phạm Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với Trang trại Việt xung quanh việc phát triển nguồn tôm giống, đặc biệt là tôm giống bố mẹ để phục cho nhu cầu phát triển ngành nuôi tôm hiện nay của cả nước.

Sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung.
“Trong quy hoạch phát triển các ngành nghề, sản phẩm nông nghiệp địa phương, con tôm được Bình Thuận xem như sản phẩm nông nghiệp chính nên tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ Hiệp hội tôm giống Bình Thuận mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới”. Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Tại cuộc trò chuyện, ông Nam cho biết: với gần 700 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng của hơn 150 cơ sở chủ yếu tập trung ở huyện Tuy Phong đã cung ứng cho phần lớn hồ nuôi tôm trong tỉnh Bình Thuận và hơn 50% thị phần tôm giống cả nước. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn các cơ sở kinh doanh tôm giống ở Bình Thuận đều được xây dựng quy mô và không ngừng mở rộng sản xuất. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, mang lại hiệu quả ngày càng cao cho chủ trại, người nuôi tôm. Theo thống kê, mỗi năm, Bình Thuận cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm trong nước khoảng 18 - 20 tỷ con tôm giống.

Bình Thuận có hoạt động sản xuất tôm giống từ thời gian dài trước đây. Tuy nhiên đến nay, có ý kiến vẫn cho rằng, nguồn tôm giống trong nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của ngành nuôi tôm. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Trên thực tế, “điểm yếu chết người” của ngành sản xuất tôm giống trong nước nói riêng và Bình Thuận nói chung, là phải phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn nhập khẩu sản phẩm tôm bố mẹ, đặc biệt là nguồn tôm thẻ chân trắng. Có đến 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Thái Lan, Úc... dẫn tới giá thành cao, việc kiểm soát mầm bệnh cũng hạn chế. Nguồn giống tôm sú cũng không khá khẩm hơn khi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu, bên cạnh nguồn khai thác, đánh bắt ngoài tự nhiên và người nuôi sử dụng tôm thịt để làm giống. Trong khi đó, những năm gần đây, diện tích nuôi tôm tăng nên nhu cầu về con giống cũng tăng cao. Trong tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng khó lường, khó kiểm soát, việc chủ động sản xuất tôm giống bố mẹ luôn được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm, nhưng để làm được việc này cần kinh phí lớn. Tuy nhiên, điều kiện để có thể sản xuất tôm bố mẹ về vị trí, môi trường, cách ly an toàn sản xuất… rất khắt khe.

Mới đây, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến khuyến khích các địa phương đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Bình Thuận đã nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm giống bố mẹ tại đảo Phú Quý. Ông có thể chia sẻ thêm về chương trình này?

Như đã nói ở trên, khi nhận thấy “điểm yếu” của ngành tôm giống, mới đây, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm giống bố mẹ, tiến tới việc tự chủ nguồn tôm giống từ đầu vào cho đến đầu ra. Theo quy hoạch này, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận xác định vị trí đủ điều kiện để phát triển nguồn tôm giống bố mẹ tập trung tại đảo Phú Quý (huyện Phú Quý). Một khi các cơ sở trong nước tạo ra được nguồn tôm bố mẹ tốt thì mới có thể chủ động được, từ tôm bố mẹ, tôm giống, đến con tôm thịt, chủ động hoàn toàn trong chuỗi sản xuất.
Đặc thù của đảo Phú Quý là cách xa đất liền khoảng 50 hải lý, là vùng biển rất sạch, thuận lợi cho phát triển tôm bố mẹ. Do đó, tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch vùng này khoảng 12ha cho các doanh nghiệp về sản xuất tôm giống bố mẹ.

Quy hoạch này là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia triển khai các dự án phát triển lai tạo, ươm nuôi tôm giống. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp đủ tiềm lực, nhất là về mặt kỹ thuật, đến tham gia phát triển ngành tôm giống bố mẹ tại đây trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có ngành giống, còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vậy, Bình Thuận còn có những chính sách hỗ trợ nào thêm cho doanh nghiệp khi đầu tư vào vùng tập trung sản xuất tôm giống bố mẹ?

Do đảo Phú Quý là vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về thuế, thuê đất, nước… khi đầu tư tại đây. Còn đối với con tôm, trong quy hoạch phát triển các ngành nghề, sản phẩm nông nghiệp địa phương, con tôm được Bình Thuận xem như sản phẩm nông nghiệp chính nên tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ Hiệp hội tôm giống Bình Thuận mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.
 
Đặc biệt, Bình Thuận muốn tập trung tiềm lực kỹ thuật cho vấn đề lai tạo các giống tôm bố mẹ trong nước mà tỉnh đã có quy hoạch. Bình Thuận khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao, sẵn sàng gắn bó với bà con nông dân để cùng phát triển.
Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện khá tốt vấn đề này, ví dụ như Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, doanh nghiệp có hơn 200 cán bộ kỹ thuật có chuyên môn tốt, sẵn sàng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
 
Tỉnh Bình Thuận cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp nuôi tôm giống theo hướng công nghệ cao tại xã Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với quy mô 100ha, hiện đã thực hiện được 80ha đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Do đó, tỉnh sẵn sàng ưu tiên cho các cơ sở nuôi tôm giống đảm bảo môi trường bền vững, thu hút các nhà đầu tư theo hướng công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Thuận Hải (thực hiện)