dd/mm/yyyy

Vận hội mới để tôm Việt xuất khẩu 10 tỉ USD

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2025. Đây là một kỳ vọng rất lớn nhằm khai phá những lợi thế tuyệt đối từ con tôm.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính do Tập đoàn Việt Úc thực hiện tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Ảnh Chúc Ly

Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức ngày 6.2.2017 tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2025, thay vì đến năm 2030 theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT.

Với một đất nước có trên 3.200km bờ biển, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trên thực tế, sản xuất và xuất khẩu tôm nước ta liên tục phát triển trong nhiều năm qua đã tạo vị thế đáng kể trong ngành tôm toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia.

Nhưng cũng phải nhận định khách quan rằng, dù lợi thế của ngành tôm là không cần bàn cãi, nhưng rào cản cho sự phát triển của con tôm cũng không hề nhỏ. Nghề nuôi tôm nước ta có hai hình thức chủ yếu là nuôi tôm công nghiệp và quảng canh. Dù được đầu tư khá bài bản nhưng nuôi tôm công nghiệp hiện vẫn còn tình trạng thiếu kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao, chưa ổn định. Nuôi tôm quảng canh cũng có rất nhiều mô hình, nhưng đa phần người nuôi còn thiếu kiến thức, đặc biệt là thông tin chọn lựa con giống rất hạn chế…

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ, với số lượng từ 180.000 - 260.000 con. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Chi phí vật tư nguyên vật liệu đầu vào cho nuôi tôm còn rất cao, tính riêng chi phí cho thức ăn đã chiếm 65%. Điều này đã đẩy giá thành sản xuất tôm lên cao, làm giảm sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp ở Cần Thơ chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Huỳnh Xây

Sản phẩm tôm xuất khẩu cũng đang phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường chủ lực như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín sản phẩm tôm của Việt Nam.

Làm sao để phát huy lợi thế ngành tôm, khẳng định giá trị, thương hiệu sản phẩm tôm của Việt Nam trên thị trường quốc tế… sẽ là chìa khóa mở toang cánh cửa xuất khẩu đang còn rất nhiều triển vọng…

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD không phải là con số xa vời, nhất là Chính phủ đã vào cuộc với những chỉ đạo mạnh mẽ, các bộ, ngành liên quan cũng “sát cánh” cùng với các địa phương có thế mạnh về nuôi tôm… Những lợi thế tự nhiên cùng với chính sách đột phá kỳ vọng sẽ tạo cho con tôm của Việt Nam đón nhận vận hội mới.

Trọng Đạt