Không dễ dãi với chính mình
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang rất háo hức về các cơ hội mới đến từ EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các hiệp định thương mại tự do này đang tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chao đảo và mọi người đang xem xét, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, cùng với đó là việc thay đổi, củng cố các mối quan hệ và đối tác. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của sự thay đổi.
Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam nhưng những thách thức vẫn còn ở đó. “Nếu các DN Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA hay CPTPP sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Nếu Việt Nam cứ đi vào những thị trường dễ tính, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp thì sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình” - bà Chi Lan nêu lo lắng.
Khi RCEP được ký kết, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, nhưng sự quan tâm thái quá về RCEP có thể sẽ làm cho sự hào hứng và động lực đối với EVFTA, CPTPP cùng một số thị trường khó tính nguội lạnh, do RCEP là một thị trường dễ tính và ít đòi hỏi hơn. “Tình trạng này sẽ dẫn đến các DN Việt Nam sẽ ít cố gắng hơn trong việc phấn đấu đạt các chuẩn mực về hàng hóa và các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các thị trường khó tính, thay vào đó sẽ tập trung vào các thị trường dễ tính” - bà Lan ái ngại.
Nắm bắt thời cơ
Dù các DN Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực và tầm cỡ vươn lên thị trường hàng đầu thế giới nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian qua, một số nhà sản xuất nông sản đã vượt lên. Chẳng hạn như các mặt hàng nông sản đã vào được thị trường Châu Á, nơi mà một số quốc gia đòi hỏi chất lượng như EVFTA.
Như nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, năm 2020, ngành nông nghiệp gặp những thách thức rất lớn và trong năm 2021, những thách thức này vẫn còn nguyên. Điều này là vì triển vọng của thị trường thế giới và các chuyển đổi tích cực vẫn thực sự chưa rõ ràng. Tất cả các dự đoán từ các trung tâm và tổ chức nghiên cứu uy tín nhất đều cho rằng, năm 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn, do những nhân tố gây khó khăn vẫn còn hiện hữu. Chẳng hạn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, COVID-19 khiến nhu cầu của thị trường suy yếu, biến đổi khí hậu…
Việt Nam là một quốc gia mở cửa rất rộng và hội nhập thị trường rất sâu, cho nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài, cho dù nước ta đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Điều này đã khiến khả năng phục hồi và tăng trưởng bị kiềm hãm, gây khó khăn cho việc tận dụng cơ hội và thời cơ mới. Đối với ĐBSCL, ngoài thách thức chung, nền nông nghiệp còn chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, như: lũ lụt, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn... “Nhưng cơ hội vẫn có và điều quan trọng là chúng ta có thể nắm bắt hay không. Nâng chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, trái cây, thủy, hải sản, bên cạnh đó là tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết để trụ được ở các thị trường đòi hỏi cao, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… là yêu cầu cần thiết” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kỳ vọng.
Ví dụ như với lúa gạo, thay vì cứ chạy theo sản lượng, xuất khẩu vào các thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao để đạt niềm tự hào là quốc gia có khối lượng xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì nên chú trọng đến chất lượng và giá trị gia tăng. EVFTA đang tạo ra cơ hội mới cho gạo Việt. Các DN vô được thị trường này đã tạo ra các giá trị gia tăng. “Chẳng hạn như gạo ST25 từ Sóc Trăng đã tạo ra một động lực rất lớn để Việt Nam vượt lên và đi vào những thị trường khó tính hơn, như theo gương của gạo Trung An (Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An), Tập đoàn Lộc Trời… Người tiêu dùng EU có quyền và thường đòi hỏi các sản phẩm gạo có chất lượng cao hơn. Thêm vào đó, nhu cầu gạo từ các khu vực này đã tăng lên do việc người tiêu dùng thay đổi cảm nhận và khẩu vị từ khoai tây, bột mì sang gạo” - bà Lan phân tích.
Không quên thị trường nội địa
Bên cạnh gạo, khả năng cung cấp các sản phẩm nhiệt đới và thủy, hải sản của Việt Nam vẫn rất lớn trên thị trường thế giới. Nhu cầu cho các mặt hàng này tại các thị trường, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản sẽ còn tăng lên theo thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chẳng hạn thiên về các sản phẩm dinh dưỡng và có nguồn gốc tự nhiên. Nếu Việt Nam cố gắng để sản xuất các sản phẩm sinh thái như vậy thì vẫn còn khả năng xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên.
Vài năm gần đây, trái vải, xoài và thanh long của Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính. Các DN nên tiếp tục cố gắng vì các thị trường này sẽ chỉ tiếp tục mở rộng ra, chứ không thu hẹp lại. Bà Lan cho rằng, đối với thị trường Trung Quốc, tất nhiên dung lượng sẽ rất lớn vì họ không có các mặt hàng trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, Việt Nam nên chỉ giữ một thị phần nhất định vì làm việc với Trung Quốc có thể tạo ra một số rủi ro mà các DN và hộ nông dân đã từng trải qua trong quá khứ. Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường, chứ không phụ thuộc vào 1 đối tác nhất định. “Nếu quá lệ thuộc vào 1 thị trường lớn, hệ quả sẽ tiếp tục lặp lại. Chúng ta không muốn thấy hàng trăm xe tải xếp hàng tại biên giới vì không qua được, khiến hàng hóa hư hỏng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý.
Theo chuyên gia này, hàng Việt cũng đừng quên thị trường nội địa vì đây là thị trường tiềm năng rất lớn. Chúng ta không nên xem thị trường trong nước là cứu cánh cho các sản phẩm không xuất khẩu được, mà phải chú trọng làm sản phẩm nông sản sạch cho khu vực nội địa. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là cách DN thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Châu Âu sẽ không đe dọa và thách thức tới các mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN quá lớn, có thể đè nén các ngành sản xuất của Việt Nam. Ví dụ, nhập siêu các vật tư và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ.