dd/mm/yyyy

Trồng bưởi da xanh, nông dân Hòa Vang làm thế nào mà có thu nhập 200 triệu đồng/năm?

Tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay có hơn 200 hộ dân trồng bưởi da xanh có hộ lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Từ mô hình trồng bưởi da xanh, vài năm lại đây phong trào chuyển đổi cây trồng của người dân huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước tưới hay cây lâm nghiệp không hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Tại huyện Hòa Vang, hiện nay có hơn 200 hộ dân trồng bưởi da xanh mang lại thu nhập khá, có hộ lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Năm 2019, ông Nguyễn Phú Kiểm, ở xã miền núi Hoà Ninh, huyện Hoà Vang đi học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi ở nhiều nơi. Ông Kiểm về trồng gần 100 gốc bưởi da xanh trên diện tích 3.000m2. Đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận vườn mua, hiện tại giá bưởi từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Ông Kiểm còn tự mày mò kỹ thuật để tách chiết, ươm giống bưởi cung ứng cho bà con nông dân trong xã. Ông cho biết, trồng cây bưởi đem lại giá trị cao gấp 3 - 4 lần so với trồng keo.

“Có sự hỗ trợ của nhà nước, đây là vụ thứ 2 người dân trong xã trồng bưởi theo mô hình vườn mẫu. Cây bưởi cho thu nhập cao hơn so với các loại cây khác, 1 cây bưởi khoảng 20 trái, mỗi trái tầm 1,5 - 2 kg cho giá trị kinh tế cao”, ông Kiểm cho hay.

Trồng bưởi da xanh, nông dân Hòa Vang làm thế nào mà có thu nhập 200 triệu đồng/năm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Kiểm cho biết, trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng rừng

Cũng nhờ đầu tư trồng bưởi, hộ ông Phan Văn Hữu, ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh có cuộc sống khấm khá hơn. Hiện ông Hữu trồng gần 300 cây bưởi trên diện tích 10.000m2, mỗi năm thu hoạch từ 3 - 4 vụ, thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.

Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng rừng, keo lá tràm và các loại cây màu khác nhưng cho hiệu quả thấp. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng bưởi da xanh, cùng sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện Hòa Vang, ngày càng nhiều hộ dân xã Hòa Ninh đang mạnh dạn cải tạo vườn tạp, tận dụng đất trống trồng bưởi. 

Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang cho biết, UBND xã đang mở rộng xây dựng đề án phát triển sản xuất vùng bưởi chuyên canh, tăng thêm diện tích trồng bưởi từ 80 - 100ha.

“Có những vườn mới mới bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhiều hộ đã phát triển kinh tế ổn định từ làm chơi đến bây giờ chuyển qua sản xuất chuyên canh. Chính quyền xã đang đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, tập huấn và chuyển giao công nghệ, liên kết đầu ra cho bà con nên họ yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm bưởi có chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường”, ông Thương tự hào.

Đến này, huyện Hòa Vang đã có hơn 200 hộ gia đình trồng bưởi da xanh, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng ngàn tấn. Bưởi da xanh ngọt, vỏ mỏng, ruột hồng được thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ưa chuộng, lại bán được giá, đã được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.

Thời gian gần đây, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, ngành nông nghiệp huyện Hoà Vang đã tăng cường hướng dẫn nông dân chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước sang trồng các loại cây có giá trị cao, như bưởi, dưa hấu, mít, đậu xanh, bắp. Ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang đã hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón cho người dân.

Trồng bưởi da xanh, nông dân Hòa Vang làm thế nào mà có thu nhập 200 triệu đồng/năm? - Ảnh 2.

Nông dân yên tâm sản xuất vì được hỗ trợ liên kết đầu ra cho sản phẩm

Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã tín chấp ngân hàng và từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cho trên 1.000 lượt hộ vay hơn 50 tỷ đồng, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển kinh doanh. Hội còn tổ chức tập huấn chuyển đổi khoa học kỹ thuật về trồng hoa, trồng nấm cho hàng ngàn hộ nông dân mất đất sản xuất trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho hay, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu chỉ còn lại ở huyện Hoà Vang và một số phường thuộc quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn.

“Đến nay, Hội Nông dân đã hỗ trợ đưa vốn về hỗ trợ nông dân gần 50 tỷ đồng, trong đó, huyện Hoà Vang là 20 tỷ đồng giúp người dân yên tâm về vốn, đủ điều kiện mua vật tư nông nghiệp sản xuất. Đặc biệt, Hội cũng luôn kết nối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, từ đó chỉ đạo mỗi phường xây dựng một điểm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất", ông Dũng bày tỏ.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung