dd/mm/yyyy

Thu tiền tỷ nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi

Nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi, một nông dân ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có thu nhập tiền tỷ.

Clip: Mô hình trồng cam đường canh cho hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Bá Thành ở tiểu khu 10, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trao đổi về những gương nông dân điển hình thực hiện tốt tiêu chí thu nhập trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), phóng viên được lãnh đạo xã Hát Lót giới thiệu và dẫn đi thăm mô hình trồng cam đường canh cho thu tiền tỷ của 1 nông dân. Người nông dân đó là ông Nguyễn Bá Thành ở tiểu khu 10.

Chia sẻ với PV về vườn cam đường canh của mình, ông Thành cho biết: "Gia đình tôi có hơn 4 ha bưởi diễn, bưởi da xanh trồng được hơn 10 năm. Năm 2020, do bưởi diễn mất giá nên tôi về Bắc Giang học tập và đưa kỹ thuật ghép cải tạo hơn 1 ha cam đường canh vào các gốc bưởi Diễn của gia đình.

Thu tiền tỷ nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi - Ảnh 1.

Nhờ mạnh dạn ghép cam đường canh lên gốc bưởi diễn, gia đình ông Thành có thu nhập hơn 1 tỷ mỗi năm. Sau khi trừ chi phí lãi trên 500 triệu đồng. Ảnh: Minh Đức.

Những tháng cuối năm 2023, cây cam đường canh ghép trên các gốc bưởi cho bói quả, thu được vài tấn quả. Đáng nói, việc ghép cam đường canh lên gốc bưởi qua theo dõi, cây gần như không bị bệnh.

Ông Thành tiết lộ, thời gian ghép thích hợp nhất là vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch; chọn gốc ghép là những cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi ghép, thao tác phải dứt khoát, không để khô nhựa mắt ghép; mắt ghép phải được quấn ni lông kín; thường xuyên chặt nhánh phụ cây gốc để mầm ghép có đủ dinh dưỡng phát triển tốt.

Thu tiền tỷ nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi - Ảnh 2.

Ông Thành là gương nông dân điển hình dám từ bỏ những cái cũ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra cây trồng mới cho hiệu quả, năng suất hơn. Ảnh: Minh Đức

Vụ cam năm 2024, từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, chỉ với 220 cây cam đường canh trồng trên diện tích 3.000m2 đất, gia đình ông Thành đã thu hoạch được hơn 28 tấn. Giá bán tại vườn cho các thương lái trung bình 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng.

Theo ông Thành, cây có múi nói chung và cây cam đường canh nói riêng là loại cây khó tính. Vì vậy, gia đình sử dụng phân hữu cơ để bón là chính. Nếu dùng nhiều phân hóa học sẽ khiến đất bị chai cứng, hỏng hết cây cam. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp gốc cây cam khỏe hơn và hút được nhiều dinh dưỡng từ đất. Khi vào mùa thu hoạch quả cam chín mới mọng nước và có độ ngọt sâu.

Thu tiền tỷ nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi - Ảnh 3.

Theo ông Thành, sử dụng phân hữu cơ bón cho cam đường canh, khi cho thu hoạch quả cam chín mọng nước, ngọt sâu. Ảnh: Minh Đức

Trao đổi với phóng viên, ông Tòng Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót cho biết, thực hiện 12 chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn về cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trên cơ sở các kết luận của Ban Thường vụ huyện ủy, cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ xã đến các bản, tiểu khu đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng giúp nhân dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng liên kết, hữu cơ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót, đến nay, toàn xã đã phát triển được một số mô hình sau: Mô hình chăn nuôi dê nhốt gắn với trồng cỏ tại bản Lót Tiến cho thu nhập từ 200-400 triệu đồng/hộ/năm; mô hình nuôi lợn tại thôn Nà Cang; mô hình trồng xoài, nhãn ghép tại thôn Nà Cang, tiểu khu 10; mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI tại bản Nà Sy... Trong số đó, nổi bật là mô hình trồng cam đường canh ghép trên gốc bưởi cho thu nhập rất cao của gia đình ông Nguyễn Bá Thành ở tiểu khu 10.

Thu tiền tỷ nhờ ghép cam đường canh lên gốc bưởi - Ảnh 4.

Diện tích nương ngô, nương sắn trước đây ở xã Hát Lót được thay thế bằng sắc xanh của cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Đức.

Bước đầu, cây cam đường canh trồng tại xã Hát Lót đã chứng minh hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Ông Thành là điển hình của người nông dân thời đại mới, dám nghĩ, dàm làm. Dám từ bỏ những cái cũ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra cây trồng mới cho hiệu quả, năng suất hơn.

Mô hình trồng cam đường canh ghép trên gốc bưởi diễn của ông Thành là một trong những cách làm, hướng đi đúng đắn, giúp người nông dân làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất mình sinh ra. Không những vậy, ông Thành còn góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xã Hát Lót đưa các chủ trương của cấp trên đi vào cuộc sống – đó là mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu theo hướng hữu cơ, giúp gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đình Thiên - Minh Đức