dd/mm/yyyy

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn

Để phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện Sông Mã (Sơn La) đã tập trung vận động tuyên truyền người dân hiến đất, góp công làm đường giao thông. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn mới và các trục đường liên xã, liên bản được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản của người dân.

Với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì vậy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Theo đó, những năm qua, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện vùng cao Sông Mã đã có bước phát triển sâu rộng. Các cơ sở trên địa bàn huyện đã huy động người dân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, hiến đất, nguyên vật liệu để xây dựng mới và nâng cấp đường cùng các công trình thoát nước. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển đã góp phần thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hoá giữa các vùng, đưa kinh tế của huyện đạt được nhiều bước tiến mới.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 1.

Đường giao thông nông thôn vào bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu được đổ bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Chia sẻ với PV, báo nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Là huyện vùng cao thuộc huyện khó khăn, địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung. Trong những năm qua, huyện đã xác định phát triển hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn là việc làm quan trọng, phải đi trước một bước để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.

Vì vậy để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, huyện đã đầu tư và huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, cơ chế xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm" đã đi vào ý thức của phần lớn người dân. So với nhiều năm trước, nhận thức của người dân về XDNTM đã được nâng lên, bà con đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động, sẵn sàng hiến đất đai, cây cối hoa màu, nguyên vật liệu để tham gia làm đường giao thông nông thôn. Trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển XDNTM hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã và đang quan tâm phát triển đường giao thông nông thôn với nhiều giải pháp đồng bộ, coi đây là yếu tố quan trọng để thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 2.

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của huyện Sông Mã, người dân đã tham gia góp công làm đường giao thông nông thôn.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Sông Mã đã thực hiện các cơ chế hỗ trợ xi măng về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, như một luồng gió mới thổi bùng nhiệt huyết xây dựng đường giao thông nông thôn trong nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương các cấp, người dân huyện Sông Mã đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công, góp của tiếp tục làm đường giao thông nông thôn.

Anh Lò Văn Phương, bản Chiềng Ban (Chiềng Phung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), cho biết: Khi có chương trình làm đường giao thông của nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi đã tham gia góp ngày công làm được cùng bản cùng xã. Thấy đường vào bản xây dựng lòng vòng, vì phải tránh nhiều vườn cây ăn quả của người dân, nên tôi đã hiến 100m2 đất vườn làm đường để đường được đẹp và khang trang hơn. Dù không có đất vườn nhiều, nhưng tôi rất vui và tự hào khi được hiến đất cùng chính quyền cơ sở làm đường giao thông nông thôn.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 3.

Huyện Sông Mã không chỉ tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện còn luôn quan tâm xây dựng các công trình nước sạch đến với bà con nhân dân.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, huyện Sông Mã đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, công tác phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh so với thời kỳ trước, rất nhiều công trình giao thông được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được bảo trì thường xuyên. Số xã chưa có đường đến trung tâm xã được giảm mạnh, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn. Bến bãi xe dành cho hành khách, tập kết hàng hóa được xây dựng, cải tạo, phương tiện vận tải tăng nhanh và đa dạng hình thức phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại cơ sở.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 4.

Những năm qua các tuyến đường liên xã, liên bản trên địa bàn huyện Sông Mã đã được xây dựng và nâng cấp mở rộng.

Trong thời gian qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Sông Mã được triển khai đồng bộ và lan rộng ở tất cả các cơ sở. Huyện đã luôn tập trung lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách XDNTM vào các hội nghị cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, huyện Sông Mã cũng phát động các phong trào thi đua gắn với tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn. Vận động người dân đóng góp tiền mặt, đất đai để xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Nhờ đó, người dân luôn ủng hộ và tích cực tham gia... Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành để triển khai các dự án đường đến trung tâm các xã, phối hợp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 5.

Người dân đồng tình ủng hộ và chung tay cùng chính quyền cơ sở làm đường và xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, sau 4 năm triển khai thực hiện các dự án đường đến trung tâm xã Nậm Ty, Chiềng Phung, Chiềng En và dự án đường đến trung tâm xã Nậm Mằn, với tổng chiều dài trên 50 km, tổng kinh phí trên 218 tỷ đồng đã được huyện Sông Mã hoàn thành. Toàn huyện có 411 bản, tổ dân phố. Trong đó có 219 bản, tổ dân phố nằm bên các trục quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường đến bản tái định cư đầu tư cứng hóa, còn 192 bản chưa được cứng hóa.

Huyện đã xây dựng 3 tuyến đường đô thị dài gần 2,7 km, với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn đường phố nội bộ. Hiện nay nhiều tuyến đường nội bản trên địa bàn huyện Sông Mã đã và đang được xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hiện toàn huyện có hơn 700 km đường nội bộ bản cần đầu tư xây dựng, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm". Đến thời điểm này, huyện đã xây dựng trên 400 tuyến, với chiều dài gần 130km, tổng kinh phí đầu tư gần 106 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ trên 42 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 64 tỷ đồng. Ngoài ra, để đảm bảo việc đi lại của bà con nhân dân, huyện luôn chú trọng rà soát, xóa cầu tạm. Tính đến thời điểm này, huyện Sông Mã đã thay thế 13 cây cầu, gồm 9 cầu thuộc dự án LRAMP do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư và 4 cầu do huyện đầu tư xây dựng.

Sông Mã phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh 6.

Với những hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, huyện Sông Mã đã và đang tạo nên sức mạnh tổng hợp, khẳng định vai trò tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng giao thông nông thôn, bà con nhân dân ở các xã trên địa bàn huyện Sông Mã luôn tích cực tham gia các phong trào XDNTM của huyện, xã phát động. Vì vậy diện mạo nông thôn mới của huyện Sông Mã không ngừng đổi thay và phát triển.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho hay: Phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua khơi dậy tinh thần tự lực của cán bộ, bà con nhân dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời lồng ghép các dự án hỗ trợ các các tiêu chí đang triển khai trên địa bàn và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình mục tiêu XDNTM. Sử dụng các nguồn vốn của nhà nước và các khoản đóng góp của người dân đúng trọng tâm và đồng bộ, để đầu tư xây dựng đường nội bản, liên bản, xóa các cầu tạm không đảm bảo an toàn. Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội và xóa nghèo cho bà con các dân tộc trong địa bàn huyện.

Hà Hoàng