dd/mm/yyyy

Sơn La: Kết nối cung cầu - Nâng tầm nông sản

Ngày 2/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La tổ chức tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu - Nâng tầm nông sản”.

Trong chương trình toạ đàm, các đại biểu cùng với doanh nghiệp, nông dân thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19

Chia sẻ giải pháp ứng phó tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các địa phương có sản lượng nông sản đến mùa vụ cần tiêu thụ trong việc xây dựng kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ nông sản.

Sơn La: "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản" - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự chương trình toạ đàm tại điểm cầu tỉnh Sơn La. (Ảnh: Tuệ Linh).

Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ gắn với địa điểm tiêu thụ và các tập đoàn bán lẻ, qua đó có một sản lượng nông sản mùa vụ tương đối thì sẽ giải quyết được vấn đề ứ đọng nông sản. Bên cạnh đó, cần làm tốt khâu kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp với các HTX.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Để sản phẩm nông sản được thị trường chấp nhận, chúng tôi không chỉ đào tạo đội ngũ khuyến nông để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà phải biết được thị trường cung cầu. Từ đó, đội ngũ khuyến nông sẽ chuyển tải đến bà con nông dân cách bán hàng theo yêu cầu của thị trường. 

"Để nâng tầm sản phẩm, phải bán giá trị của sản phẩm đó. Bán cả một quy trình làm ra sản phẩm. Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ cùng với bà con nông dân thực hiện tốt thị trường mục tiêu trước khi sản xuất. Phải có kế hoạch trước khi sản xuất mới tránh được tình trạng bị ế thừa nông sản", ông Thanh nhấn mạnh.

Sơn La: "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản" - Ảnh 2.

Mục tiêu chương trình nhằm đẩy mạnh liên kết cung cầu, quảng bá nông sản địa phương, kiến nghị các chính sách phù hợp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid -19, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. (Ảnh: Tuệ Linh).

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản. Thứ nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh uỷ. Thứ hai, định hướng thị trường tiêu thụ quốc tế, trong đó tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc để kích cầu tiêu thụ và sản xuất trong nước. Thứ 3, kết hợp tất cả các hệ thống siêu thị trong nước để tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đã xây dựng phương án tiêu thụ 100 nghìn tấn nhãn trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp. Hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn; trong đó, chú trọng xây dựng 600 cơ sở chế biến và đưa 50 nghìn tấn vào chế biến long nhãn. Còn lại tiêu thụ qua chợ đầu mối, siêu thị, kênh thương mại điện tử và thị trường xuất khẩu.

Sơn La đã thực hiện sơ chế, chế biến ra các sản phẩm mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo, nhãn sấy khô… Đó là những cách làm cụ thể trong điều kiện dịch Covid-19. Và, Sơn La quyết tâm tiêu thụ hết sản lượng cây ăn quả dự kiến là 430 nghìn tấn trong năm 2021.

Sơn La: "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi về một số giải pháp tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Tuệ Linh).

Trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay, việc tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị gặp  nhiều khó khăn. Một hình thức tiêu thụ mới được triển khai, đó là các sàn thương mại điện tử. Từ phương thức này đã cho thấy những cách làm mới, tích cực và khả quan trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản của Sơn La. Việc tiêu thụ qua chuỗi siêu thị giảm, bán trực tiếp qua các chợ đầu mối, truyền thống giảm đi rất nhiều. Về giải pháp, Sơn La đang tập trung bán nông sản qua sàn thương mại điện tử, online. Việc làm này đã giúp Sơn La có thêm nhiều kênh tiêu thụ nông sản. Sản lượng nông sản tiêu thụ qua hình thức này không ngừng tăng lên.

Theo lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), với vai trò là nhà phân phối, chi nhánh của công ty tại Sơn La đã đi khảo sát các vùng trồng cây ăn quả của tỉnh. Bên cạnh đó, đã tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân có thể tự mang sản phẩm của mình lên sàn thương mại bán, đồng thời cũng hướng dân bà con nông dân livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Hiện, Công ty cũng đã lên kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản của Sơn La và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Sơn La: "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản" - Ảnh 4.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ tại điểm cầu tỉnh Sơn La. (Ảnh: Tuệ Linh).

Để giúp việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải ưu tiên việc lưu thông hàng hoá để sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá vận chuyển qua các tỉnh thuận lợi. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện hành vi ép giá.

Triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản bằng các hình thức đa dạng, phù hợp. Tăng cường kết nối để tiêu thụ trên sàn điện tử, giao dịch trực tuyến. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đẩy mạnh chuỗi đầu tư phát triển hệ thống logistics hỗ trợ cung ứng nông sản gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Đi vào sản xuất chiều sâu, rải vụ, theo đơn đặt hàng

Về giải pháp tiêu thụ nông sản Sơn La trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Sơn La đã triển khai những giải pháp đồng bộ như tiêu thụ trong nước, xuất khẩu cho đến chế biến.

Ông Công nêu quan điểm: Nếu chúng ta cứ chạy theo số lượng mà chất lượng không cao thì đầu ra sản phẩm rất khó khăn. Cần phải tập trung chế biến sâu, sản xuất những mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cuối cùng là quay lại sản xuất theo đơn hàng và đổi mới quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao nhất.

Sơn La: Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản - Ảnh 5.

Sản phẩm trái cây của Sơn La được nhiều thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. (Ảnh: Tuệ Linh).

Mặt khác, đã đến lúc tính toán, định hướng từng sản phẩm sản xuất ở từng vùng. Tính toán đến khâu sản xuất rải vụ để làm sao không tạo áp lực quá lớn về sản lượng đối với một mặt hàng nông sản trong một thời gian nhất định.

"Trước đây, tỉnh Sơn La thu mận trong 1 tháng, nhưng nay Sơn La thu mận trong thời gian 5 tháng; xoài thu trong 4,5 tháng… Sau đó, đi vào chiều sâu trong sản xuất, canh tác trên 1 đơn vị diện tích, đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất, tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường. Có như vậy mới đảm bảo đầu ra ổn định", ông Công nói.

Mong muốn được hỗ trợ kho lạnh

Chia sẻ về những khó khăn của HTX tại chương trình toạ đàm, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng thông tin: Do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay giá nông sản rất thấp. Để sản phẩm nông sản đảm bảo được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước khó tính, yêu cầu phải có khu vực sơ chế, kho lạnh. Sau đó, sản phẩm đưa lên container thì quả mới không bị sốc nhiệt và hỏng.

Theo bà Dung, hiện HTX đang gặp khó khăn về nhà máy sơ chế và mong muốn các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp, chính sách giúp đỡ HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La có hệ thống sơ chế, chế biến, kho lạnh để bảo quản sản phẩm.

Sơn La: "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản" - Ảnh 6.

Tham dự buổi toạ đàm có đại diện một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La. (Ảnh: Tuệ Linh).

Giải đáp câu hỏi của bà Dung, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa việc sơ chế, bảo quản rất quan trọng. Vì vậy, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chương trình nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơn La được xác định là vùng trọng điểm phía Bắc để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy, Bộ sẽ quan tâm xây dựng một số kho bảo quản lạnh để đảm bảo việc sơ chế, bảo quản trong thời gian nhất định.

Tuệ Linh